Sự gia nhập của các công ty lớn và chất lượng sẽ là cú hích quan trọng giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn. Đâu sẽ là thế hệ bluechip kế tiếp?
Cuối tháng 8.2024, sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), một trong những doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM kể từ khi cổ phiếu công ty niêm yết vào tháng 3.2018. Trong chín điều kiện để niêm yết trên sàn HoSE, công ty điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất vướng một điều kiện: Khoản nợ quá hạn của công ty con. Ba tháng sau khi có phán quyết của tòa án cho mở thủ tục phá sản công ty con có liên quan, Lọc hóa dầu Bình Sơn không còn nắm quyền kiểm soát ở công ty này và vì vậy, không còn khoản nợ quá hạn trên một năm– tiêu chí khiến cổ phiếu BSR không đủ điều kiện chuyển sàn.
Với vị thế doanh nghiệp đầu ngành, cung ứng 1/3 lượng xăng dầu của cả nước, cổ phiếu BSR được một số công ty chứng khoán đánh giá “sẽ lọt vào rổ chỉ số VN30” – nhóm 30 doanh nghiệp uy tín và có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên sàn UPCoM, ngoài cổ phiếu BSR còn nhiều cổ phiếu mà khi chuyển sàn có khả năng lọt vào nhóm VN30, như cổ phiếu của tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) hay Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI)… Việc chuyển sàn, nếu suôn sẻ như BSR, có mở ra cơ hội cho sự xuất hiện của những bluechip tiếp theo trên thị trường chứng khoán Việt Nam? Và điều gì khiến các doanh nghiệp tương tự còn “mắc kẹt” ở UPCoM?
Tương tự như các giải thi đấu thể thao, chẳng hạn bóng đá, thăng hạng đồng nghĩa với cơ hội được thi đấu ở các giải đấu có chất lượng, quyền lợi đi kèm là bản quyền truyền hình, bán vật phẩm… Một cổ phiếu chuyển từ sàn UPCoM lên HoSE cũng giống như câu lạc bộ hạng nhì giành quyền thi đấu ở giải ngoại hạng, khả năng thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư, định chế đầu tư, nhất là quỹ có yếu tố nước ngoài. Trước triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, việc lọt vào nhóm bluechip của chứng khoán Việt Nam có thể ví vừa được thi đấu ở ngoại hạng, vừa được quyền thi đấu các giải danh giá như Champion League. Tương tự một câu lạc bộ cần đội ngũ nhân lực mạnh, thị trường cũng cần có thêm sự góp mặt của những doanh nghiệp uy tín với vốn hóa lớn.
Nhìn vào bức tranh tổng thể, hầu hết các doanh nghiệp lớn trên sàn UPCoM đang gặp thách thức trong việc đáp ứng một loạt tiêu chí nghiêm ngặt của sàn HoSE. “Nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với rào cản như yêu cầu về tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 5%, không có lỗ lũy kế và không nợ quá hạn trên một năm,” ông Nguyễn Đức Hoàn, tổng giám đốc chứng khoán ACB (ACBS) cho biết. Điển hình, ROE của VGI trong những năm trước đều dưới 5% và mới được cải thiện từ đầu năm 2024, hay BSR cần xử lý khoản nợ quá hạn. Ông Hoàn nhấn mạnh, mặc dù các điều kiện khác có thể dễ dàng quan sát từ bên ngoài, yêu cầu về nợ quá hạn chỉ rõ ràng khi công ty chuẩn bị hồ sơ niêm yết gửi HoSE.
Xem xét cụ thể các doanh nghiệp này, có thể nhận thấy sự phân chia rõ ràng thành hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên gồm các doanh nghiệp nhà nước như ACV, BSR, VGI, VEA và MVN, đang đối mặt với những trở ngại liên quan đến ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong báo cáo tài chính. “Những doanh nghiệp này, với quy mô tài sản lớn và được hình thành từ vốn nhà nước hoặc qua hợp nhất nhiều công ty nhà nước, thường gặp phải vấn đề trong việc định giá tài sản, quyết toán cổ phần hóa và niêm yết,” ông Lee Joon Sang, giám đốc đầu tư quỹ KIM Việt Nam lý giải.
Chẳng hạn, ACV hiện đang quản lý khu bay thuộc tài sản nhà nước với thời gian thí điểm đến năm 2025. Việc định giá lại khu bay và góp vốn vào ACV sau khi thí điểm kết thúc có thể giúp giải quyết vấn đề kiểm toán và đạt yêu cầu niêm yết trên HoSE. Tuy nhiên, quá trình này có thể phải chờ đến khi chính phủ hoàn tất các quy định vào năm 2025. Hay VGI và MVN gặp vấn đề kiểm toán đặc thù. Theo ông , những vấn đề này chủ yếu mang tính kỹ thuật. “Một số doanh nghiệp như BSR có thể nhanh chóng giải quyết, trong khi các doanh nghiệp khác như ACV có thể cần thêm thời gian,” ông Lee nói.
Trong khi nhóm doanh nghiệp nhà nước đối mặt với các vấn đề kỹ thuật và quy định, nhóm doanh nghiệp tư nhân bị chi phối bởi quyết định chiến lược của các cổ đông lớn. Hai cái tên lớn có thể kể đến, theo ông Lee Joon Sang, là MCH, công ty con mà Masan Group sở hữu 93,6% và công ty cổ phần viễn thông FPT (FOX), công ty con của FPT Group với 45,7% cổ phần và tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 50,2%. Nếu chưa thấy thực sự cần thiết, các chủ sở hữu này sẽ không vội vàng đưa doanh nghiệp lên sàn HoSE. “Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi, khi Masan Group đã lên tiếng về kế hoạch IPO và niêm yết của MCH sắp tới,” ông Lee Joon Sang cho biết thêm.
Dù vậy, không thể phủ nhận lợi thế mà việc niêm yết trên UPCoM mang lại. Việc giao dịch trên sàn này như một “bài tập khởi động” cho doanh nghiệp trước khi bước vào “đấu trường” trên HoSE. Ông Nguyễn Đức Hoàn nhận định, giai đoạn chuẩn bị này giúp doanh nghiệp có tham chiếu chính xác về vốn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông giao dịch, huy động vốn dễ dàng từ cổ đông trong nước và làm quen với các quy chuẩn quản trị và công bố thông tin. Còn theo ông Lee Joon Sang, lợi ích rõ ràng nhất là khi chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE, việc giao dịch trên UPCoM cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhà đầu tư mới và kỳ vọng chuyển sang sàn có tiêu chuẩn cao hơn trong tương lai gần.
Tuy nhiên, vì chỉ là “bước chạy đà” trước khi chuyển sàn, nên bất lợi lớn nhất đối với các doanh nghiệp trên sàn này là khả năng tiếp cận và huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Một số quỹ có quy định chỉ đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn HoSE. Để thấy rõ sự khác biệt, hãy cùng nhìn vào những con số sau: Vốn hoá hiện tại của UPCoM là gần 60 tỉ đô la Mỹ, của HoSE là hơn 200 tỉ đô la. Trong tám tháng đầu năm 2024, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại trên sàn UPCoM chỉ là 18,2 ngàn tỉ đồng, so với 636 ngàn tỉ đồng trên HoSE. “Như vậy, mặc dù vốn hóa chỉ gấp năm lần, nhưng tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE gấp 35 lần,” ông Nguyễn Đức Hoàn nhận xét.
Nhiều quỹ đầu tư, theo ông Lee Joon Sang, đưa ra hạn chế về tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu ngoài tiêu chuẩn của họ. Thanh khoản thấp trên sàn UPCoM, do cơ cấu cổ đông cô đặc và số lượng cổ phiếu lưu hành hạn chế, khiến các quỹ đầu tư lớn gặp khó khăn trong việc gia tăng tỉ trọng nắm giữ. Trong khi đó, cơ cấu vốn hóa trên sàn HoSE quá tập trung vào ngành ngân hàng và bất động sản với hơn 56% tỉ trọng, còn 44% còn lại phân bổ ở chín ngành khác. Điều này tạo ra bức tranh thiếu đa dạng hơn so với các thị trường trong khu vực. Kết quả, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đặt cược chủ yếu vào các nhóm ngành truyền thống, khiến VN-Index trở nên nhạy cảm hơn với biến động của hai nhóm này.
Cùng với việc nâng hạng thị trường, nhà đầu tư cũng chờ đợi thế hệ bluechip tiếp theo. Ngoài những cổ phiếu vẫn mắc kẹt trên sàn UPCoM, ông Lee Joon Sang cho rằng hai nhóm doanh nghiệp lớn có thể làm thay đổi cục diện: Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau giai đoạn 2017-2018, tiến trình cổ phần hóa và niêm yết của các doanh nghiệp nhà nước đã chững lại, chủ yếu vì thay đổi trong quy định mới về định giá tài sản, đặc biệt là đất đai. “Cần sớm giải quyết các vướng mắc này để làn sóng này có thể quay trở lại,” ông Lee khuyến nghị. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Aeon, CP Việt Nam, BWID và VSIP cũng gặp khó khăn về khung pháp lý và đang chờ hướng dẫn từ bộ Tài chính và ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Một nhóm doanh nghiệp khác có tiềm năng trở thành bluechip trong tương lai là các công ty ngành công nghệ và tiêu dùng, nhờ vào sức mạnh tài chính và sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực như viễn thông và hàng tiêu dùng, theo đại diện của quỹ KIM Việt Nam. Mặc dù hiện tại những công ty này đã có quy mô vốn hóa lớn, nhưng khả năng tiếp cận cổ phiếu của các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức, vẫn còn hạn chế do số lượng cổ phiếu lưu hành ít và thông tin không đầy đủ. “Để gia nhập hàng ngũ bluechip, các doanh nghiệp này cần cải thiện khả năng cung cấp thông tin và tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu,” ông Lee nói.
Dưới góc nhìn của bà Lương Thị Mỹ Hạnh, giám đốc quản lý tài sản, khối trong nước Dragon Capital, nhóm doanh nghiệp quy mô vừa (midcap) đang nổi lên như một điểm sáng đáng chú ý. Bà Hạnh cho biết, hiện chỉ khoảng một nửa số công ty trong rổ VNMidcap được các công ty chứng khoán hàng đầu phân tích. Mặc dù vậy, nhóm này sở hữu thanh khoản cao và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo dự báo của Dragon Capital, midcap sẽ dẫn đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong ba nhóm vốn hóa trên thị trường, với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt 18,5%/năm giai đoạn 2024-2025.
Chứng khoán Việt Nam đang trên đường chinh phục một mục tiêu lớn: Nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Hiện nay, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 – thị trường mới nổi. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu, thị trường cần giải một bài toán then chốt: Nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết. “Sự gia nhập của các công ty lớn và chất lượng sẽ là bước đệm vững chắc để Việt Nam hướng tới các cấp bậc cao hơn như thị trường mới nổi của FTSE và MSCI, và thậm chí là thị trường phát triển trong tương lai,” ông Lee Joon Sang nói.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 9.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam