Càng đông, càng vui?

|

Số lượng tài khoản chứng khoán chiếm gần 8% dân số. Lượng đã đổi, chất ắt sẽ đổi theo đúng quy luật vận động.

Những ngày đầu năm 2021, Hoàng Tú Vy, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại, ngón tay do dự trước nút “mở tài khoản” của một ứng dụng chứng khoán. Khi thấy bạn bè xung quanh cứ năm người thì có đến ba người là đầu tư, cô quyết định tham gia “cuộc chơi” này. Điều mà Tú Vy không biết, là quyết định của cô góp một phần vào cơn sốt từ làn sóng nhà đầu tư cá nhân, đẩy tỉ trọng giao dịch của nhóm này có lúc chiếm tới 90% tổng giá giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE). Mặt bằng lãi suất huy động thấp, cùng với việc người dân có nhiều thời gian rảnh rỗi do đại dịch Covid-19, khiến kênh đầu tư chứng khoán có sức hấp dẫn cao. Cuối năm 2021, có bốn triệu tài khoản đăng ký tham gia thị trường chứng khoán, trong đó hơn 1,1 triệu là tài khoản mới.

Ba năm trôi qua, dù thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn giảm sâu từ mức đỉnh trên 1.500 điểm hồi tháng 1.2022 xuống dưới 1.000 điểm, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vẫn tiếp tục gia tăng. Cuối tháng Sáu năm nay, theo số liệu của tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán, có gần tám triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, tương đương 8% dân số Việt Nam. Giá trị giao dịch trung bình của nhà đầu tư cá nhân cũng tăng đáng kể, từ mức 158 tỉ đồng vào năm 2017 lên 208 tỉ đồng vào năm 2020 và gần 670 tỉ đồng vào năm 2024, theo WiGroup. “Chứng khoán đang dần trở thành một kênh đầu tư đại chúng, phổ thông đối với người dân,” ông Nguyễn Thanh Lâm, giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định.

Sự chuyển mình của thị trường không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn ở chất lượng giao dịch. Ngày nay, nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch một cách dễ dàng và tiện lợi hơn. “Mọi thứ đã tiện hơn nhiều so với trước kia,” ông Trịnh Minh Khôi, 46 tuổi, người tham gia thị trường từ những ngày đầu, cho biết. Nhà đầu tư hiện nay, như Tú Vy, có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin qua các hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook và Telegram, thay vì phải trực tiếp đến sàn giao dịch như trước đây. Ngô Cẩm Vinh, 33 tuổi, một kỹ sư tại TP.HCM, chia sẻ rằng anh lựa chọn cổ phiếu dựa trên thông tin từ bạn bè và sau đó sử dụng phân tích kỹ thuật để quyết định điểm mua. Dù danh mục của anh chưa có lãi nhiều, anh vẫn tiếp tục tham gia thị trường để tích lũy kinh nghiệm.

Khẩu vị và hành vi đầu tư của các nhà đầu tư trẻ đang có sự thay đổi đáng kể. Theo khảo sát của InfoQ Việt Nam vào tháng 12.2021 với hơn 700 người, nhóm nhà đầu tư từ 20-29 tuổi chiếm hơn 50%, chủ yếu giao dịch với số vốn từ 10-500 triệu đồng. Đặc biệt, một số đông nhà đầu tư trẻ hiện đang hướng tới mục tiêu tự do tài chính và nghỉ hưu sớm. Điều này phản ánh sự thay đổi trong động lực tham gia thị trường, với nhiều người tìm kiếm cơ hội để xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.

Nhờ sự phát triển của công nghệ, thông tin về thị trường trở nên phong phú và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, song cũng không ít nhà đầu tư cảm thấy bối rối. Tú Vy chia sẻ rằng cô cảm thấy “việc đầu tư đang trở nên khó khăn.” “Quan điểm của công chúng dễ dao động và thay đổi qua từng năm, do tốc độ lan truyền thông tin cao và số người quan tâm đọc tin tức cũng ngày càng lớn,” tác giả George Charles Selden viết vậy trong cuốn Tâm lý thị trường chứng khoán – Hành vi đám đông và sự thật đằng sau những con sóng. Tú Vy chia sẻ, cô luôn cảm thấy mình như đang bơi trong một bể thông tin. “Đúng là có rất nhiều lựa chọn, nhưng vì không phải là dân tài chính, tôi thấy mọi thứ đều rất phức tạp.”

Thông tin đa dạng, biến động giá trong các pha chuyển trạng thái của thị trường khiến giá trị danh mục của nhà đầu tư lắm lúc chao đảo. Danh mục của Tú Vy bị bốc hơi hơn 30% giá trị khi thị trường giảm 40,34% từ mức đỉnh 1.528. “Giai đoạn ấy thật kinh khủng. Tôi cứ chờ thị trường lên mãi, rồi khi VN-Index đâu đó quanh 1.200, tôi đành bán,” Tú Vy nói. Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm như ông Khôi cũng nhiều lần “đóng tài khoản, rút tiền, nghỉ chơi.” “Tôi thích đầu tư chứng khoán, nhưng lâu lâu bị đạp những cú như vậy làm tôi rất nản,” ông nói thêm.

Một trong những lý do khiến nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ là cảnh mua đỉnh, bán đáy do đầu tư theo phong trào. “Nhà đầu tư cá nhân thích những mã có biến động mạnh, thường tập trung ở cổ phiếu penny (vốn hoá nhỏ),” ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết. Mã cổ phiếu đầu tiên mà Tú Vy mua thuộc doanh nghiệp xây dựng công trình, với thị giá khi ấy chưa tới 10 ngàn đồng do lời rỉ tai của bạn bè rằng “ngành này đang có sóng.” Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, so sánh thị giá để đánh giá cổ phiếu đắt hay rẻ là quan điểm sai lầm. “Một cổ phiếu giá 100 ngàn chưa chắc đã đắt, hay một cổ phiếu khác giá bảy ngàn chưa chắc là rẻ.”

Lý do thứ hai, theo ông Nguyễn Thế Minh của chứng khoán Yuanta Việt Nam, là kiến thức đầu tư còn hạn chế. So với những thị trường chứng khoán vài trăm năm tuổi, chứng khoán Việt Nam như chàng thanh niên vừa qua tuổi 24. “Hầu hết tư duy của nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường hiện nay vẫn là ngắn hạn và kiếm lời nhanh,” ông Thế Minh nói. Sau khi nắm giữ chưa đầy một tháng, Tú Vy vội chốt lời cổ phiếu đầu tiên cô mua khi vừa thấy lãi 1%.

Theo quan sát của ông Thanh Lâm, có một xu hướng đang dần hình thành trong cộng đồng nhà đầu tư cá nhân mới: Chuyển hướng sang đầu tư vào quỹ. “Giai đoạn trước đây, cứ 10 người thì đến chín người là ‘tự xách súng ra chiến trường’ đầu tư,” ông Nguyễn Thanh Lâm nhận xét. Song hiện nay, nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm, không có nhiều kiến thức chuyên môn, đặc biệt là những người trẻ, đang lựa chọn cácquỹmởdoyêucầuvốnítvàtỉsuất lợi nhuận phù hợp. Tú Vy cho biết cô đang đầu tư vào quỹ trái phiếu và cổ Mặc dù vậy, ông Thanh Lâm nhận định rằng thanh khoản hiện tại của thị trường chủ yếu được duy trì bởi các nhà đầu tư kỳ cựu, những người đã “trải qua sương gió” và có kinh nghiệm đối phó với nhiều biến động. Theo ông Nguyễn Thế Minh, sau những cú sốc lớn như vụ cổ phiếu ROS thuộc họ FLC, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trong chiến lược đầu tư. Thay vì săn lùng những cổ phiếu nhỏ dễ gặp rủi ro, họ dần chuyển hướng sang các mã cổ phiếu lớn và ổn định hơn. Hơn 15 năm đầu tư trên thị trường, ông Minh Khôi cho biết chỉ năm 2021 là năm duy nhất ông có lãi. Hiện tại, nhà đầu tư này đã từ bỏ việc đầu tư toàn bộ vào thị giá thấp và tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng vững chắc hơn.

Nhìn về xu hướng sắp tới, thị trường sẽ chịu nhiều thách thức từ sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân, theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh, giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital Việt Nam. “Rõ ràng sẽ không phải là dấu hiệu tích cực nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh mẽ và nhà đầu tư trong nước liên tục mua đối ứng như thời gian qua,” ông Thanh Lâm nói. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này sẽ khó xảy ra, trước những yếu tố như cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cắt giảm lãi suất và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Dưới góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Thế Minh dự đoán cuối năm 2024 sẽ chứng kiến sự gia tăng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, các nhà đầu tư từ ba thế hệ khác nhau – Tú Vy, Cẩm Vinh và Minh Khôi – đều thể hiện sự kiên định với thị trường chứng khoán. Tú Vy và Cẩm Vinh đặc biệt có những mục tiêu cụ thể như mua nhà trước tuổi 35 và đạt tự do tài chính trước tuổi 40. Ngược lại, Minh Khôi không còn đặt ra mục tiêu cụ thể nữa. “Tôi đã gần 50 rồi, các mục tiêu đặt ra đều không thực hiện được, nhưng cứ đầu tư thôi,” ông nói.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 9.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam