Điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn hai tỉ đô la Mỹ qua sàn HoSE kể từ đầu năm tới ngày 31.7?
“Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục bán ròng, cho đến khi nhìn thấy cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) giảm lãi suất,” ông Huỳnh Minh Tuấn, chủ tịch công ty Đầu tư FIDT nhận định về xu hướng mua bán của khối ngoại đối với thị trường Việt Nam thời gian tới. Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng Bảy, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến hai tỉ đô la Mỹ bán ròng trên sàn HoSE. Đặc biệt, tháng Năm và tháng Sáu là hai tháng liên tiếp nhóm nhà đầu tư này bán ròng kỉ lục, lần lượt hơn 14,8 ngàn tỉ đồng và 14,3 ngàn tỉ đồng, theo dữ liệu Bloomberg. Những con số này thậm chí cao hơn mức bán ròng lịch sử của nhóm đầu tư này hồi tháng Ba và tháng 5.2021, thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.
Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng xảy ra không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở khu vực Đông Nam Á. “Trong bối cảnh lãi suất Fed đang ở mức cao, đồng đô la Mỹ mạnh lên, Việt Nam cũng chịu cảnh khối ngoại bán ròng tương tự các thị trường mới nổi khác,” bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối Nghiên cứu của chứng khoán MB (MBS) nói. Chứng khoán khu vực Đông Nam Á chứng kiến tháng thứ tư liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nâng dòng vốn chảy ra lên sáu tỉ đô la Mỹ tính từ đầu năm đến hết tháng 6.2024. Thái Lan là thị trường bị bán mạnh nhất, theo sau là Việt Nam, với giá trị lần lượt tương ứng là 950 triệu đô la và 564 triệu đô la trong tháng Sáu, theo dữ liệu Bloomberg. Bà Sufianti, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, nhấn mạnh rằng biến động về lãi suất, tỉ giá, thiếu thanh khoản và sự khan hiếm sản phẩm liên quan đến các xu hướng mới nổi như công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)… là những yếu tố chủ chốt thúc đẩy nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng trên khắp thị trường Đông Nam Á. “Các thị trường có những sản phẩm về công nghệ, bán dẫn như Hàn Quốc và Đài Loan vẫn duy trì sức hấp dẫn với khối ngoại,” bà Sufianti nói thêm.
“Sự khác biệt giữa lãi suất tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển đến nơi có mức sinh lời cao hơn, như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản,” bà Hoàng Việt Phương, giám đốc trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, chứng khoán SSI cho biết. Cùng với đó, tiền đồng đang yếu đi đáng kể so với đô la Mỹ, với tỉ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ giảm 4,29% từ đầu năm đến ngày 24.7. “Điều này khiến khối lượng bán ròng của Việt Nam mạnh mẽ hơn so với các nước khác,” bà Trần Thị Khánh Hiền nói.
Phần lớn cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư được ở Việt Nam lại thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản và ngành tiêu dùng. “Không may là thời điểm hiện tại, ba nhóm ngành này không được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng,” bà Hiền giải thích. Đồng thời, trong lĩnh vực công nghệ, thị trường Việt Nam chỉ có một vài cổ phiếu, với FPT là tên tuổi lớn nhất, để nhà đầu tư nước ngoài tham gia. “Một đại diện là FPT sẽ không thay đổi được cục diện,” bà Khánh Hiền nói.
Dữ liệu Bloomberg Intelligence cho thấy, khối ngoại thường tập trung mua, bán các ngành như ngân hàng và bất động sản. “Nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn các cổ phiếu lớn, có tính thanh khoản cao, phù hợp với quy mô quỹ của họ,” bà Sufianti nói. “Ngân hàng và bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong VN-Index, do vậy họ thường tập trung vào hai ngành này.” Tuy nhiên, kể từ tháng Năm năm nay, cổ phiếu công nghệ cũng bị khối nước ngoài bán mạnh. Trong đó, cổ phiếu FPT bị bán nhiều nhất, hơn 5,6 ngàn tỉ đồng trong tháng Năm và tháng Sáu. Một trong những nguyên nhân chính, theo bà Hoàng Việt Phương, là khối ngoại đang chốt lời, khi cổ phiếu FPT tăng gần 54% trong sáu tháng đầu năm.
Nhìn vào bức tranh chung, chỉ số VN-Index vẫn tăng 9,61% từ đầu năm đến ngày 24.7, bất chấp xu hướng bán mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này do giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm chưa đến 10% tổng giao dịch, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực. Con số này ở thị trường Philippines là 46,9%, Indonesia là 46,3%, Malaysia là 33,2% và Thái Lan là 53,9% trong tháng 6.2024, theo dữ liệu Bloomberg Intelligence.
Giai đoạn 2015-2020, tỉ trọng nhà đầu tư nước ngoài có lúc chiếm đến 19% giao dịch thị trường, theo dữ liệu Bloomberg Intelligence. Đây cũng là lúc nguồn vốn trong khu vực châu Á chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh. Khởi đầu là dòng vốn từ Nhật Bản năm 2015. Trong năm 2019, dòng vốn đến từ Thái Lan và Hàn Quốc. Từ năm 2021, dòng vốn từ Đài Loan bắt đầu đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia thị trường, giúp thanh khoản mỗi phiên lên mức tỉ đô la Mỹ, khiến tỉ trọng giao dịch của khối nước ngoài giảm dần.
Sự vắng bóng của nhóm nhà đầu tư ngoại này trên thị trường Việt Nam một phần do quy định tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài còn thấp. Điển hình đối với cổ phiếu ngân hàng, mức giới hạn thường là 30% và một số cổ phiếu khác ở mức 49-50%. “Tôi cho rằng điều này như một con dao hai lưỡi,” bà Sufianti nhận định. Một mặt, quy định này giúp thị trường hạn chế được rủi ro lớn khi xuất hiện làn sóng bán ròng từ khối ngoại. Mặt khác, khi thị trường chuyển biến tích cực, điều này cũng sẽ hạn chế dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. “Đây là một trong những rào cản để thị trường Việt Nam có thể nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.”
Giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, theo bà Hoàng Việt Phương, khiến các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với lượng vốn lớn sẽ không có nhiều lựa chọn khi muốn đầu tư vào. “Để chuẩn bị cho việc nâng hạng, một trong những việc rất quan trọng là cần tăng số lượng doanh nghiệp lớn tham gia niêm yết, đồng thời cần có các hướng dẫn rõ ràng về lộ trình điều chỉnh giới hạn sở hữu tại các ngành cho nhà đầu tư nước ngoài,” bà Phương nói. Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn UPCoM và HNX, nơi mà nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm. Bà Khánh Hiền cho hay, việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết và chuyển sàn sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức chuyên nghiệp trong nước và thị trường quốc tế.
Theo bà Hoàng Việt Phương, mức độ bán ròng của nhóm nhà đầu tư này có thể sẽ giảm dần khi Fed hạ lãi suất, cũng như tình hình kinh tế tiếp tục phục hồi ổn định. “Chưa kể, nhiều tổ chức vẫn đang đợi chờ câu chuyện về nâng hạng của thị trường Việt Nam,” bà Khánh Hiền của MBS nói.