Tìm miền đất mới

|

Sau thành công tại Campuchia, Husk cung cấp giải pháp phân bón gốc than sinh học, cải thiện sức khỏe cho đất ở Việt Nam.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón hữu cơ và vật liệu đầu vào hữu cơ lớn nhất. Vì vậy, nhu cầu về các sản phẩm tái tạo đất, phân bón hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên thực sự lớn,” bà Heloise Buckland, nhà sáng lập Husk nói về cơ hội tham gia thị trường phân bón hữu cơ ở Việt Nam. Doanh nghiệp thành lập năm 2017 tại Campuchia này vừa nhận năm triệu đô la Mỹ đầu tư của Mekong Capital để xây nhà máy than sinh học làm từ trấu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2025.

Than sinh học, sản phẩm hình thành khi nhiệt phân các chất hữu cơ ở nhiệt độ khoảng 400 – 500°C trong điều kiện yếm khí, được các nhà sáng lập của Husk triển khai trên các đồng ruộng ở Campuchia, theo bà Heloise, giúp tăng năng suất lúa từ năm tấn lên bảy tấn mỗi héc ta. Ngoài sản phẩm chính là than sinh học, Husk còn sản xuất các sản phẩm khác như phân bón có chứa carbon hữu cơ, thuốc diệt côn trùng tự nhiên. “Nói một cách đơn giản, những gì họ làm là xử lý chất thải nông nghiệp, với bất kỳ dạng sinh khối nào,” Ellen Văn, trưởng nhóm tư vấn đầu tư tại Mekong Capital, cho biết.

Quy mô thị trường phân bón Việt Nam ước tính đạt 3,44 tỉ đô la Mỹ năm 2024 vàdựkiếnsẽđạt4,2tỉđôlaMỹvàonăm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2024-2030, theo Mordor Intelligence, là 3,38%. “Phân bón tổng hợp ở Việt Nam là thị trường phát triển,” bà Heloise nhận định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ sản phẩm hữu cơ được đăng ký lên 25% vào năm 2025. “Thị trường nông nghiệp tái tạo ở Việt Nam đang được chính phủ ủng hộ,” bà Heloise, người có 25 năm hoạt động trong lĩnh vực bền vững và đổi mới xã hội, nói.

Năm 2017, tại căn bếp của Heloise với tấm bảng và chi chít những biểu đồ, Heloise Buckland và Carol Rius cùng nhau hình dung ra Husk, dự án hỗ trợ các hộ nông dân thông qua sử dụng các loại sinh khối tái tạo, tận dụng chất thải nông nghiệp như rơm, trấu. Nhận thấy nguồn nguyên liệu trấu ở các nước trồng lúa, cả hai chọn lọc khu vực nào tạo ra nhiều trấu nhất. “Chúng tôi thấy rằng Campuchia đứng thứ 10 trong danh sách, môi trường cũng khá thuận lợi để khởi nghiệp,” bà Heloise nói. Trong chuyến đi thực địa ở Campuchia năm 2018, cả hai hỏi những nông dân họ gặp về lo âu, bất ổn phải đối mặt. “Tất cả đều trả lời chung một đáp án: Biến đổi khí hậu,” người sáng lập Husk nói.

Hướng tới nền nông nghiệp phát thải carbon thấp, sản phẩm đầu tiên của Husk là than sinh học làm từ nguyên liệu các loại chất thải hữu cơ trong sản xuất nông lâm nghiệp như trấu, rơm rạ, vỏ hạt cà phê… Có cấu trúc carbon xốp, sản phẩm có tác dụng tăng độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt với các loại đất nghèo, đất axit (độ pH thấp). “Tôi cho rằng than sinh học là sản phẩm quan trọng, có thể cải thiện đất trong thời gian dài hơn rất nhiều so với bất kỳ loại phân bón hay sự cải tạo đất nào khác,” giáo sư Johannes Lehmann, đại học Cornell chia sẻ với Bloomberg Businessweek Việt Nam. “Khi thực vật và các chất hữu cơ khác bị phân huỷ, chúng sẽ giải phóng một lượng carbon được giữ lại trong suốt thời gian tồn tại của chúng dưới dạng khí thải CO2. Trong quá trình nhiệt phân sinh khối để tạo ra than sinh học, một phần carbon được chuyển đổi sang dạng ổn định hơn, giúp sản phẩm này có thể ‘nhốt’ và lưu trữ trong đất,” bà Heloise Buckland, đồng sáng lập Husk lý giải.

Những ngày đầu, Heloise và cộng sự đến từng mảnh ruộng, từng trang trại, thực hiện 300 thử nghiệm trên 60 mảnh vườn khác nhau. Họ bắt đầu với than sinh học, sau đó mở rộng sản phẩm bằng việc trộn than sinh học với các thành phần tự nhiên khác, rồi sản xuất sản phẩm dạng hạt và chất kích thích sinh học dạng lỏng… Sau hàng loạt thử nghiệm, sản phẩm của Husk giúp tăng năng suất lúa gạo lên bảy tấn/ha, trong khi mức trung bình trước đây là năm tấn/ha. Kết quả có sức thuyết phục giúp Husk bán được 1.000 tấn than sinh học năm 2023, tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Gia nhập thị trường Việt Nam, Husk tập trung vào ba mảng chính: Gạo, cà phê, và các loại cây có giá trị cao như sầu riêng. Hiện tại, doanh nghiệp có hợp đồng phân phối với Ecom tại Việt Nam, và thử nghiệm dài hạn với Nestlé. Sau khi nhận được khoản đầu tư năm triệu đô la Mỹ từ Mekong Capital, Husk lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới, đặt cạnh nhà máy xay lúa, tương tự như cách họ làm ở Campuchia. Năm 2026, doanh nghiệp này dự định sản xuất phân bón tại Việt Nam. Ngoài ra, bà Buckland chia sẻ, số tiền nhận được từ đầu tư cũng sẽ được dùng để phát triển sản phẩm. “Chúng tôi đang hướng tới phát triển sản phẩm chuyên biệt cho 10 cây trồng chủ lực,” bà nói.

Husk đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng: Đạt 2% thị phần vào năm 2030, tương đương 50 ngàn tấn sản phẩm; có hai trung tâm sản xuất ở Campuchia và Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm sang 10 quốc gia trong khu vực vào năm 2030. Chặng đường để đạt những cột mốc này vẫn còn dài, nhất là khi đây không phải là những sản phẩm có thể thấy tác động trong “một sớm một chiều”. “Chúng tôi muốn phát triển Husk thành doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn với ngành phân bón, bởi đây không chỉ là ngành chúng tôi muốn đột phá, mà còn là ngành tác động đáng kể đến hành tinh của chúng ta,” bà Heloise nói.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 7.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam