Hàng loạt công ty chứng khoán liên tục tăng vốn, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.
“SSI đã đưa ra rất nhiều giải pháp phục hồi thị phần, nhưng câu chuyện không phải ngày một ngày hai,” chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng trả lời khi được hỏi về kế hoạch phục hồi thị phần môi giới, tại đại hội cổ đông thường niên của công ty vào chiều ngày 25.4. Cũng là câu chuyện thị phần, ông Tô Hải, tổng giám đốc Vietcap (VCI) chia sẻ tại đại hội cổ đông công ty chứng khoán này: “Hy vọng Vietcap sẽ gia tăng thị phần cuối năm nay vào tốp năm, hoặc tiệm cận tốp năm.” Chủ tịch Đỗ Quang Vinh của chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhấn mạnh trong buổi họp đại hội cổ đông rằng mục tiêu tăng vốn của doanh nghiệp này là sớm lấy lại thị phần tốp 10, thậm chí là vị trí cao hơn nữa.
Giành thị phần dường như là cuộc đua không hồi kết giữa các công ty chứng khoán, đặc biệt rõ nét hơn khi mùa đại hội cổ đông thường niên qua đi, hàng loạt các công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Cổ đông chứng khoán SSI thông qua hai phương án tăng vốn, dự kiến vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng lên gần 19,64 ngàn tỉ đồng. Chứng khoán Vietcap cũng thông qua ba phương án tăng vốn điều lệ, lên gần 7,2 ngàn tỉ đồng. Mới đây nhất, VNDirect (VND) thông báo sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 15,2 ngàn tỉ đồng. Danh sách tăng vốn còn nối dài với nhiều cái tên khác như chứng khoán ACB (ACBS), chứng khoán Rồng Việt (VDS), chứng khoán FPT (FTS), chứng khoán MB (MBS), chứng khoán LPBank, chứng khoán Nhất Việt…
Tổng lượng vốn điều lệ dự kiến tăng mới của chín công ty chứng khoán niêm yết khoảng 92,7 ngàn tỉ đồng, tính đến ngày 20.5.2024, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg. Con số này dự kiến tăng hơn 59% so với cuối quý I năm nay. Để so sánh, vốn điều lệ của các công ty chứng khoán niêm yết quý I chỉ tăng hơn 1,95% so với cuối năm 2023. Giai đoạn hai năm 2020-2021, chỉ số VN- Index tăng hơn 54,5% cũng là lúc quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán niêm yết tăng hơn 2,36 lần, theo dữ liệu Bloomberg. Mặc dù mức độ tăng hiện tại còn khiêm tốn hơn giai đoạn trước, nhưng “dòng vốn này quan trọng, bởi Việt Nam đang ở trong một chu kì kinh tế cần rất nhiều vốn, đặc biệt với lĩnh vực tài chính,” bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối Nghiên cứu của chứng khoán MB chia sẻ.
“Mục tiêu đợt tăng vốn này là tăng cường nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn từ 2024-2027,” ông Nguyễn Đức Hoàn, tổng giám đốc ACBS cho biết mục đích tăng vốn lên hơn bảy ngàn tỉ của doanh nghiệp. Cụ thể, sau khi tăng vốn, ACBS có thể gia tăng tệp khách hàng bằng cách tăng hạn mức cho vay tối đa đối với một mã cổ phiếu và hạn mức tối đa cho một khách hàng. Ngoài ra, đại diện ACBS còn chia sẻ các mục đích khác như: Tăng quy mô phát hành các sản phẩm chứng khoán phái sinh, tăng đầu tư vào hệ thống hạ tầng và công nghệ thông tin.
Không chỉ ACBS, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng có mục đích tương tự khi huy động vốn: Mở rộng quy mô danh mục đầu tư, đáp ứng nhu cầu cho vay ký quỹ và phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cho vay ký quỹ được xem là động lực tăng trưởng quan trọng của các công ty chứng khoán, khi mảng này đóng góp 48,4% vào tổng lợi nhuận gộp của ngành năm 2023, theo báo cáo của VNDirect. Bà Lê Thị Lệ Hằng, giám đốc chiến lược của chứng khoán SSI nhận định, giai đoạn từ quý I.2022 đến quý I.2024, việc tăng vốn có thể chia làm hai xu hướng chính. Thứ nhất, các công ty như SSI, VND, VCI, MBS thực hiện tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay ký quỹ của nhà đầu tư do trước đó đã hết hạn mức cho vay. Theo quy định, công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Xu hướng thứ hai, theo bà Hằng, là các công ty mới gia nhập thị trường, chủ yếu thuộc sở hữu trực tiếp của ngân hàng như TCBS, VPBS, ACBS, HDS, ngoài việc mở rộng danh mục cho vay ký quỹ, còn tăng quy mô danh mục đầu tư nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng với hệ sinh thái của ngân hàng mẹ.
Liệu làn sóng tăng vốn lần này có giúp công ty chứng khoán đổi mới? 10 năm trước, hầu hết các công ty chứng khoán phụ thuộc vào môi giới để gia tăng tệp khách hàng. “Trong mô hình kinh doanh môi giới truyền thống, phí giao dịch là nguồn thu ổn định và đóng góp tỉ trọng tương đối cao trong cơ cấu tổng doanh thu của các công ty chứng khoán, thường chỉ đứng sau doanh thu lãi cho vay ký quỹ,” ông Hoàn thuộc ACBS nói. Khi công nghệ xuất hiện, những yếu tố từng tạo ra lợi thế cạnh tranh, như phí giao dịch, báo cáo nghiên cứu… hầu như đều trở thành “miễn phí.” Phí giao dịch giờ đây không còn là công cụ kiếm tiền của các công ty chứng khoán. Hiện tại, các công ty chứng khoán lựa chọn khai thác khách hàng hiện hữu, tập trung phát triển những sản phẩm khác để giữ chân khách hàng.
Một điểm khác biệt đáng chú ý đối với cuộc đua tăng vốn lần này, chính là phương thức tăng vốn. Bà Trần Thị Khánh Hiền chỉ rõ, hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đang huy động vốn thông qua tìm cổ đông chiến lược. “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với ba nhà đầu tư chiến lược, dĩ nhiên vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa hai bên, đặc biệt về giá,” ông Tô Hải của Vietcap trả lời khi được hỏi về kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ. “Chúng tôi đang cố gắng thu hẹp khoảng cách lại.” Tương tự, MBS cũng đang làm việc với ba đối tác chiến lược nước ngoài, theo lời tổng giám đốc Phan Phương Anh tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của doanh nghiệp này.
“Trải qua một thời gian dài, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phát triển, các công ty sẽ muốn có sự cộng lực nhiều hơn từ những đối tác bên ngoài, đặc biệt là từ các đối tác nước ngoài để bước sang sân chơi lớn hơn,” bà Khánh Hiền giải thích. Như vậy, giá trị mà các công ty chứng khoán tìm kiếm từ đối tác chiến lược không dừng ở nguồn vốn.
Khi mô hình kinh doanh thay đổi theo hướng tập trung giữ chân khách hàng, đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán cần đa dạng hoá sản phẩm. Bà Khánh Hiền cho biết, “vùng đất mới” mà các công ty chứng khoán đang muốn khai thác hiện nay: Quản lý tài sản. “Trong 10 năm tới có hai xu hướng diễn ra, là người giàu mới (thuộc thế hệ 8x, 9x) và sự dịch chuyển tài sản từ thế hệ cha mẹ sang con cái. Khi xu hướng này xảy ra, nhu cầu quản lý tài sản sẽ phát triển,” bà Vũ Ngọc Anh, giám đốc khối bán lẻ SSI, nói. Với TCBS, công ty này vừa qua đã thiết kế hệ thống i-Wealth nhằm quản lý tài sản và đầu tư. Cuối tháng Ba vừa qua, chứng khoán BIDV (BSI) cũng ký thỏa thuận liên doanh với Edmond de Rothschild – định chế tài chính hàng đầu châu Âu về quản lý gia sản, nhằm thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, lợi nhuận gộp toàn ngành chứng khoán chủ yếu đến từ cho vay ký quỹ và đầu tư, trong khi mảng môi giới chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, khoảng 7% cơ cấu lợi nhuận gộp toàn ngành năm 2023, theo số liệu của VNDirect. Với mảng quản lý tài sản, nhiều công ty chỉ mới bắt đầu xây dựng đội ngũ, hay trong quá trình tìm đối tác. Dẫu vậy, đây vẫn là những tín hiệu tích cực cho thị trường, khi các công ty chứng khoán đang chạy đà nhằm trở thành định chế tài chính trung gian. Thị trường quốc tế đang ghi nhận xu hướng dịch chuyển tài sản từ ngân hàng sang các định chế tài chính trên thị trường chứng khoán. “Nếu các công ty chứng khoán Việt Nam muốn đạt được mục tiêu này, thì bài toán đầu tiên cần giải là câu chuyện về vốn,” bà Khánh Hiền khẳng định.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 6.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam