Đều là những “cá mập” với tổng tài sản tương ứng là 529 triệu và 857 triệu đô la Mỹ, các quỹ ETF của VanEck và Fubon đang hoạt động ra sao trên thị trường trăm triệu dân?
Tháng 3.2023, khi VN-Index giao dịch xung quanh mốc 1.050, thị trường xuất hiện một lực đỡ hơn 3.000 tỉ đồng mua ròng từ dòng vốn ngoại. Đây là lúc gã khổng lồ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) từ Đài Loan, Fubon FTSE Vietnam liên tục giải ngân. Cùng thời điểm, quỹ ETF VanEck thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index. Lịch sử cho thấy, vào các kỳ tái cơ cấu danh mục hay thay đổi chỉ số tham chiếu của các quỹ ETF, thị trường thường ghi nhận những phiên giao dịch đột biến.
“Đấu trường” ETF tại Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến những chuyển biến đáng chú ý, đặc trưng bởi sự xuất hiện của hai gã khổng lồ VanEck và Fubon. Hai quỹ ETF ngoại với tổng tài sản hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ dần trở thành thước đo tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, do ETF là công cụ đầu tư dễ dàng và hiệu quả với nhóm này khi muốn tiếp cận thị trường Việt Nam. Chiến lược của hai người khổng lồ này khác biệt ra sao, và đâu là lý do đằng sau sự xuất hiện của hai quỹ ngoại này?
Quỹ ETF đã tồn tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần 17 năm, song hầu như ít được ai chú ý một thời gian dài. Hơn một năm sau khi có quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam, tháng 8.2009, công ty quản lý đầu tư VanEck thành lập quỹ ETF VanEck Vietnam, khi ấy mô phỏng theo chỉ số MVIS Vietnam. Khởi đầu với tổng tài sản 2,6 triệu đô la Mỹ, trong 15 năm tổng tài sản của quỹ tăng gấp hơn 210 lần. “Đó là khoảng thời gian rất dài đối với một quỹ ETF, ngay cả ở Mỹ,” ông William Sokol, phó giám đốc quản lý sản phẩm VanEck, chia sẻ với Bloomberg Businessweek Vietnam.
Tăng trưởng của VanEck Vietnam bắt nguồn từ chiến lược đặc biệt của quỹ đầu tư 69 tuổi có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ này. Khi VN-Index quanh mốc 500 điểm trong năm 2009, các nhà quản lý quỹ tại VanEck đang tìm cơ hội ở thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh, với chỉ số mô phỏng nằm ngoài những chỉ số truyền thống. Điều này biến VanEck trở thành quỹ ETF đầu tiên cho nhà đầu tư Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam.
Khác với quỹ đến từ Mỹ, nhà quản lý quỹ Fubon, sau nhiều lần thâm nhập thành công tại châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, cần tìm “thị trường tiềm năng với môi trường chính trị ổn định, và quan trọng phải là cái tên quen thuộc với nhà đầu tư Đài Loan,” theo giải thích của bà Yang Yi-Ning, quản lý quỹ Fubon FTSE Vietnam. Lập kế hoạch từ 2019, đến tháng 3.2021, quỹ ETF này mới được thành lập. Thời điểm hiện tại, Fubon FTSE Vietnam là quỹ ETF có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản lên đến 857 triệu đô la Mỹ.
Quỹ ETF của Fubon mô phỏng theo chỉ số FTSE Vietnam 30 Index (gồm 30 cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE). “Chiến lược của chúng tôi đơn giản là mua cổ phiếu theo tỉ trọng của chỉ số,” đại diện quỹ chia sẻ. Bên cạnh đó, Fubon hợp tác với các bên môi giới trong nước, nhờ đó quỹ cũng bám sát tin tức thị trường. Thông thường, quỹ ETF của Fubon chủ yếu mua và nắm giữ, nếu thị trường không có sự điều chỉnh nào hoặc doanh nghiệp không có động thái nào đáng kể. “Chúng tôi sẽ không thay đổi danh mục một cách dễ dàng,” bà Yang Yi-Ning nói.
Fubon không gặp thách thức như VanEck khi tham gia sớm vào thị trường non trẻ như Việt Nam. Quỹ đầu tư xứ cờ hoa trải qua hai lần đổi chỉ số tham chiếu, ban đầu với MVIS Vietnam Index, không bao gồm toàn bộ cổ phiếu Việt, mà có thể từ bên ngoài nhưng có ít nhất 50% doanh thu/tài sản liên quan phát sinh tại Việt Nam. Lý giải về điều này, ông Sokol cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam lúc đó có rất ít doanh nghiệp đáp ứng ngưỡng thanh khoản mà quỹ đặt ra. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ phải tuân thủ luật Việt Nam về quyền sở hữu nước ngoài. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không đủ điều kiện nằm trong danh mục. “Song đó cũng là cách tốt nhất để nhà đầu tư Mỹ tiếp cận minh bạch, chi phí thấp vào thị trường vốn Việt Nam lúc bấy giờ,” đại diện quỹ chia sẻ. Một năm trở lại đây, quỹ mới đổi sang chỉ số tham chiếu với 100% cổ phiếu Việt Nam có thanh khoản cao.
Nhìn từ góc độ giao dịch, các quỹ ETF mua hay bán rổ chứng khoán cơ sở hàng ngày khi có nhu cầu hoán đổi từ phía nhà đầu tư. Chứng chỉ quỹ của VanEck và Fubon được giao dịch tại thị trường Mỹ và Đài Loan, nên tác động của hai quỹ ETF đến giao dịch hàng ngày thường không đáng kể. “Tuy vậy, vào những kỳ tái cơ cấu danh mục, giao dịch có thể lên tới 20% tổng tài sản của quỹ, có thể gây tác động đáng kể lên thị trường, đặc biệt ở các cổ phiếu có nền thanh khoản thông thường không cao,” bà Lê Huyền Trang, chuyên viên cao cấp phân tích dữ liệu của bộ phận nghiên cứu SSI cho biết.
Với mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu một năm khoảng 2,7%, VanEck ghi nhận hiệu suất một năm tương đối tích cực, ở mức 24,7% tính đến ngày 29.2.2024. “Chúng tôi theo dõi chỉ số tham chiếu chặt chẽ, và khá hài lòng về điều này,” người quản lý quỹ VanEck nói. Một năm qua, quỹ Hoa Kỳ cũng liên tục rút ròng khỏi thị trường, với thời điểm bán từ khoảng tháng 4.2023 đến giữa tháng 5.2023, và vào quý cuối cùng năm – giai đoạn trước khi công bố kết quả đánh giá quý IV của chỉ số tham chiếu MarketVector Vietnam Local Index.
Trong khi đó, Fubon lại có một năm mua bán sôi động hơn, tập trung rút ròng ở giai đoạn quý III.2023 và quay trở lại mua ròng, mạnh nhất vào thời điểm VN-Index tạo đáy. Dẫu vậy, hiệu suất một năm tính đến ngày 29.2.2024 của quỹ ETF lớn nhất thị trường này vẫn ở mức 7,47%, theo dữ liệu Bloomberg, trong khi VN-Index tăng khoảng 20,7% cùng kỳ. Đối với vấn đề này, bà Yi-Ning nhận định, một phần vì giao dịch nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đang chiếm tỉ trọng áp đảo, khoảng 80% giá trị giao dịch. “Đây cũng là thách thức của chúng tôi,” bà nói.
Bất chấp những thách thức hiện hữu trên thị trường, hai quỹ ETF nước ngoài có chung kì vọng: Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Theo Fubon, khi nâng hạng thị trường, nhiều nhà đầu tư ngoại sẽ tìm kiếm những cổ phiếu chưa đạt giới hạn sở hữu nước ngoài, khiến quỹ càng có tiềm năng trong những năm tới. Đại diện của VanEck so sánh sự kiện này sẽ tương tự như trường hợp nâng hạng của thị trường Trung Quốc vào năm 2017. “Điều quan trọng nhất vẫn là mức độ sẵn sàng của nhà đầu tư khi thị trường được nâng hạng,” ông Sokol nói.
Trong xu hướng chung của toàn cầu, các quỹ ETF tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng về số lượng và quy mô, đặc biệt từ năm 2020. Trong khi các quỹ ETF trong nước cung cấp thêm lựa chọn về sản phẩm, thì các quỹ ETF ngoại đóng vai trò kênh dẫn vốn quan trọng, nhờ lợi thế giao dịch dễ dàng. Chưa kể, dòng vốn từ Fubon và VanEck sẽ giúp phản ánh phần nào quan điểm của nhà đầu tư tại thị trường Đài Loan và Mỹ đối với chứng khoán Việt Nam, theo bà Lê Huyền Trang từ SSI.
Mặc dù tỉ trọng danh mục của hai quỹ VanEck và Fubon tương đối giống nhau, khi hơn 50% thuộc lĩnh vực tài chính, tiếp theo đến công nghiệp và vật liệu, nhưng chỉ số tham chiếu và chiến lược đã đem lại hiệu suất khác biệt. Bước sang năm 2024, “đàn anh” VanEck vẫn lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn của mình, khi đã tập trung 100% danh mục vào doanh nghiệp Việt Nam. Với “tân binh” Fubon, quỹ kì vọng hiệu suất sẽ cải thiện nhờ phục hồi xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và khôi phục thị trường bất động sản. “Thị trường Việt Nam rất giống Đài Loan những năm 1980. Năm 1986, chỉ số TWSE chỉ đạt 1.400, và bây giờ đã hơn 18.000. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ đi con đường tương tự trong 30 năm nữa”, bà Yang Yi-Ning nói.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 3.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam