Minh họa: Chris Harnan
Bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2023 có các điểm đáng chú ý: Kinh tế tăng trưởng ở mức 5% nhờ chính sách tài khóa nới lỏng và đầu tư công; lãi suất huy động trong nước duy trì ở mức thấp. Đô la Mỹ tăng mạnh khiến ngân hàng nhà nước phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trong đó có hút bớt tiền để ổn định tỉ giá. Trong khi lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chịu cơn gió ngược, ảnh hưởng đáng kể đến túi tiền của một số nhà đầu tư, thị trường chứng khoán lại là bức tranh đủ sắc màu, khi phân theo lĩnh vực và quy mô vốn. Tính đến ngày 14.12, chỉ số VN-Index tăng khoảng 10,2% so với đầu năm 2023. Trên nền bức tranh như vậy, năm chuyên gia trong các lĩnh vực đưa ra quan điểm riêng về việc phân bổ tài sản, quản trị rủi ro trong bối cảnh năm 2024 còn một số yếu tố bất định như xung đột, khả năng đảo chiều ở cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu. Điểm chung: Kinh tế 2024 sẽ phục hồi, tốt hơn năm trước.
Bức tranh chung:
Bối cảnh lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tài khóa để kích thích tăng trưởng sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào động lực kinh tế toàn cầu. Kịch bản cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất và nền kinh tế Mỹ chỉ suy giảm nhẹ là tín hiệu tốt cho sự hồi sinh kinh tế của Việt Nam. Nếu kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái sẽ ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế Việt Nam.
Xu hướng/chỉ báo cần theo dõi:
Lãi suất giảm mạnh và giữ ở mức thấp, kinh tế có điều kiện phục hồi dần từ vùng đáy là cơ hội cho kênh cổ phiếu. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường, với chỉ số VN- Index giảm 27% so với mức đỉnh hai năm trước và mức định giá P/B năm 2023 giảm xuống 1,5 lần, gần mức thấp lịch sử từng thấy trong thời kỳ khủng hoảng, cũng là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp tốt.
Các lĩnh vực vẫn đang được định giá thấp và sẵn sàng phục hồi vào năm nay có thể kể đến ngân hàng, bán lẻ, hàng tiêu dùng và dịch vụ hàng không. Kênh tiền gửi tiết kiệm nên được coi là cơ chế phòng thủ và dự trữ thanh khoản, hơn là một kênh sinh lời. Nhà đầu tư nên xem việc mua trái phiếu doanh nghiệp là cho doanh nghiệp vay vốn trực tiếp, nên sẽ phải chấp nhận rủi ro hoàn toàn. Năm 2024 thị trường phục hồi có chọn lọc. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền và đối mặt khả năng chậm trả gốc lãi trái phiếu. Một lưu ý là doanh nghiệp lớn không đồng nghĩa với rủi ro thấp.
Quản trị rủi ro:
Về tổng thể, rủi ro giảm bớt do lãi suất thấp nhưng rủi ro với từng doanh nghiệp vẫn tồn tại. Điều quan trọng là cần thận trọng khi lựa chọn các cơ hội phân bổ vốn. Tiền rẻ có thể làm nảy sinh các làn sóng đầu cơ và cạm bẫy đáng kể, thu hút vốn vào các loại cổ phiếu chất lượng thấp với biến động giá rõ rệt.
Bức tranh chung:
Năm 2024 hứa hẹn nhiều cơ hội, khi lãi suất toàn cầu, chỉ báo quan trọng đối với nhà đầu tư, dự báo sẽ giảm sau khi có dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.2023 của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất giảm sẽ hỗ trợ thị trường của các tài sản rủi ro, bao gồm thị trường chứng khoán. Ngoài ra, đây cũng là năm đánh dấu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Dữ liệu lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán luôn diễn biến tích cực giai đoạn bảy tháng trước kỳ bầu cử.
Riêng thị trường Việt Nam, triển vọng vĩ mô lạc quan, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến tăng trưởng lợi nhuận tích cực do mức nền thấp năm 2023. Mục tiêu hướng tới nâng hạng thị trường mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán. Trong nửa đầu năm, lãi suất tiết kiệm dự kiến vẫn ở mức thấp, đầu tư bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp hồi phục chậm. Tuy nhiên nửa cuối năm, lãi suất khó có dư địa giảm tiếp, trong khi cầu tín dụng tăng, lãi suất sẽ có thể bật lên.
Xu hướng/chỉ báo cần theo dõi:
Cần chú ý đến các chỉ báo quan trọng như lạm phát, tỉ giá và lãi suất, cũng như động thái của cục Dự trữ Liên bang Mỹ và kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết công bố đầu năm 2024. Quan điểm cá nhân, trong sáu tháng đầu năm chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Nửa cuối năm, tôi kỳ vọng lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt với những phân khúc có nhu cầu thực, chẳng hạn căn hộ tầm trung. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ vào quý II.
Trái phiếu có thể là một kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất phát tín hiệu tăng vào nửa cuối năm 2024. Tôi kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng, nhà đầu tư có thể lựa chọn trái phiếu phù hợp.
Một số nhóm ngành dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn, bao gồm: Xuất khẩu, đầu tư công và năng lượng. Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang Trung Quốc, dự kiến sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với doanh nghiệp có bạn hàng ở Mỹ và châu Âu. Doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công và bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi Việt Nam thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, ngành năng lượng cũng đáng chú ý khi Việt Nam tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi năng lượng theo cam kết tại hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Quản trị rủi ro:
Thị trường bất động sản còn các điểm nghẽn lớn, tập trung vào khối tài sản liên quan đến những đại án như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Do tính liên thông giữa các thị trường chứng khoán, trái phiếu, ngân hàng và bất động sản, chỉ cần một điểm nghẽn, thị trường sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Chiến lược quản trị rủi ro cho năm 2024 của tôi chia làm hai giai đoạn. Quý đầu năm, tôi tin rằng thị trường chứng khoán vẫn tương đối hấp dẫn nhờ lãi suất thấp và tín hiệu phục hồi của nhiều ngành. Vàng cũng là một kênh đáng quan tâm. Quý II, tôi sẽ tăng cường tiền mặt (để tiết kiệm) và chờ tín hiệu trên thị trường bất động sản. Nửa cuối năm, tôi sẽ phân bổ khoảng 50% vào thị trường bất động sản, 30% cho cổ phiếu và duy trì mức dự trữ tiền mặt 20%.
Bức tranh chung:
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ bước vào giai đoạn phục hồi. Năm ngoái, hai thị trường trái phiếu và bất động sản ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023 có sự khởi sắc, với lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp quay trở lại và một số dự án bất động sản khu vực Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai có lượng giao dịch tăng. Đầu tư công đóng vai trò then chốt trong năm 2023 và dự kiến còn tiếp tục vai trò năm 2024, cùng tiêu dùng cá nhân tăng.
Thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2024 cũng dự kiến phục hồi, đạt trung bình một tỉ đô la Mỹ mỗi phiên, nhờ hai yếu tố chính: tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết ước tính dao động từ 20-22%, và lãi suất duy trì mức thấp.
Xu hướng/chỉ báo cần theo dõi:
FDI tác động đến một số ngành liên quan như vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp, logistics… Các chỉ báo nên theo dõi: Tỉ lệ nợ, tốc độ tăng trưởng và cổ tức. Trong khi lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng đã giảm, duy trì dưới mức trước giai đoạn Covid-19, nhà đầu tư vẫn có xu hướng gửi tiết kiệm ngắn hạn, một lựa chọn an toàn.
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đối với các ngân hàng và phi ngân hàng đang vào khoảng 15% GDP Việt Nam, mức thấp hơn so với khu vực. Tại Malaysia, con số này đang ở mức 57%, Singapore là 37% và Thái Lan 25%. Trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và còn dư địa để phát triển trong tương lai.
Đối với lĩnh vực bất động sản, nếu xét về giá, khu vực ngoại thành đang có xu hướng giảm rõ rệt, khoảng 10-20% so với thời cao điểm. Ngược lại, giá ở khu vực trung tâm, điển hình là Phú Mỹ Hưng có mức biến động rất nhỏ. Giá căn hộ trung bình ở các khu vực ngoại thành và các tỉnh có xu hướng giảm, khoảng 30%, kèm theo nhu cầu giảm. Xu hướng rời thành phố để quay lại lối sống làm vườn ở ngoại ô trước đây không còn thịnh hành nữa.
Bất chấp những biến động ngắn hạn này, tầm nhìn dài hạn cho thấy tiềm năng tăng trưởng ngành bất động sản. Sở hữu một ngôi nhà được coi là điều kiện cần có của người Việt. Hiện nay, mức độ đô thị hóa của Việt Nam khoảng 40%, thấp hơn mức 50-70% ở các nước khu vực. Dư nợ cho vay mua nhà so với GDP là khoảng 20%, trái ngược với mức 30-50% phổ biến ở các nước láng giềng, báo hiệu còn dư địa để tăng trưởng. Về lâu dài, tôi nhận thấy đây là cơ hội để tìm hiểu đất, nhà, căn hộ giá rẻ, đặc biệt dành cho người chưa sở hữu nhà.
Quản trị rủi ro:
Đối với bất động sản, nhà đầu tư cần cân nhắc thận trọng các khía cạnh pháp lý và khả năng tài chính khi đầu tư. Với thị trường chứng khoán, cần lựa chọn những cổ phiếu có cơ bản tốt, mức giá hợp lý, phản ánh giá trị của doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn vốn, nhà đầu tư có thể đặt ra quy định về cắt lỗ, chốt lời. Nhà đầu tư có thể đặt ra các tiêu chuẩn riêng, chẳng hạn đạt lợi nhuận cao hơn lãi suất tiết kiệm hoặc chỉ số thị trường. Đối với người không có thời gian theo dõi thị trường thường xuyên, nên đầu tư vào các quỹ.
Sáu tháng đầu năm, nhà đầu tư nên tích lũy một cách thận trọng. Khi các tín hiệu trở nên rõ ràng hơn, nửa cuối năm có thể là giai đoạn tăng giá của thị trường.
Bức tranh chung:
Nền kinh tế Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ có mức tăng trưởng cải thiện so với năm 2023. Cuối năm 2023, kinh tế có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, đặc biệt được thể hiện qua số liệu doanh thu. Chúng tôi tin rằng chính sách nới lỏng vẫn tiếp tục trong năm 2024, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt có thể có những gói kích cầu về hạ tầng. Bên cạnh đó, điều tiết về tăng trưởng tín dụng sẽ mềm mại hơn.
Xu hướng/chỉ báo cần theo dõi:
Một chỉ số nhà đầu tư cần chú ý là tốc độ tăng trưởng bền vững doanh thu mỗi quý của doanh nghiệp. Ngoài ra, lãi suất cũng là một chỉ báo quan trọng, tác động đến chi phí vốn của doanh nghiệp. Lãi suất giảm, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tái đầu tư, thúc đẩy nhu cầu trong nền kinh tế.
Xét về loại tài sản, lựa chọn dành cho nhà đầu tư ở Việt Nam có phần hạn chế. Lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức thấp kỷ lục khiến kênh tiết kiệm kém hấp dẫn. Bất động sản, kênh tích lũy tài sản truyền thống, đang phải chờ đợi luật Đất đai sửa đổi dự kiến thông qua trong năm nay. Nếu phải chờ đợi quá lâu, cơ hội có thể bị bỏ lỡ.
Các kênh đầu tư tiền tệ và vàng tuy biến động mạnh, song khó đánh giá cơ hội do điều kiện giao dịch bị hạn chế. Năm 2024, kênh thị trường vốn vẫn là kênh có tiềm năng xét về hiệu quả đầu tư. Trái phiếu phải đối mặt với những thách thức do các quy định của thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn các kênh đầu tư đa dạng trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là chứng chỉ quỹ trái phiếu, để có danh mục đầu tư cân bằng.
Chúng tôi dự đoán ba ngành chính là điểm sáng trong năm 2024. Đầu tiên là ngành công nghệ thông tin, được thúc đẩy bởi mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và những thay đổi sản xuất toàn cầu. Ngành ngân hàng, được coi là xương sống của nền kinh tế, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định. Các ngành liên quan đến tiêu dùng, sau khi khắc phục được vấn đề tồn kho, đang sẵn sàng phục hồi lợi nhuận đáng kể.
Về bất động sản, nhà đầu tư cần nắm rõ thủ tục pháp lý. Các dự án nhà ở tại các khu vực phát triển kinh tế như TP.HCM, Hà Nội hay các tỉnh lân cận như Bình Dương vẫn có thể thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cần thận trọng, đặc biệt là đối với bất động sản condotel và resort, do rủi ro pháp lý và nhu cầu.
Quản trị rủi ro:
Tuy thị trường chứng khoán là kênh thích hợp để đầu tư cần lưu ý các đợt điều chỉnh đang diễn ra với dao động trong khoảng 10-15%, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tận dụng những đợt sóng đi xuống. Cần lưu ý sự khác biệt giữa chỉ số giá trên thu nhập giữa các công ty vốn hoá lớn và nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp nhỏ có định giá quá cao. Nhà đầu tư nên quản trị rủi ro thông qua lựa chọn các công ty có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, gắn với việc phát triển kinh doanh. Cần thận trọng khi cổ phiếu tăng quá mức, đồng thời giữ vững niềm tin khi thị trường điều chỉnh ở mức hợp lý.
Các nhà đầu tư nên nắm giữ vị thế ở thời điểm này, với biên độ an toàn. Trong chu kỳ thị trường đầy biến động, một mặt phải thận trọng, nhưng tiềm ẩn khả năng bỏ lỡ cơ hội. Nguyên tắc không bao giờ bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể đầu tư tích luỹ.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 1.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam