Loanh quanh chuyện vốn xanh

|

Minh họa: Rose Wong cho Bloomberg Businessweek

Liệu chiếc la bàn “tín dụng xanh” có thể đưa doanh nghiệp thoát khỏi rắc rối thủ tục, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?

Nằm ngay cửa ngõ vào TP.HCM, tỉnh Long An hiện có tám nhà máy điện mặt trời đang hoạt động. Trong số đó, có hai nhà máy đầu tháng Sáu vừa qua nhận được khoản vốn 77,5 triệu đô la Mỹ tín dụng xanh từ ngân hàng DBS của Singapore. Hai nhà máy này thuộc sở hữu của BCG Gaia gồm BCG Long An 1 và BCG Long An 2, tổng công suất 141 MW. “Khoản vay được thực hiện bằng đô la trong bối cảnh mặt bằng lãi suất Việt Nam đồng cao và có nhiều biến động,” bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, phó tổng giám đốc BCG Energy chia sẻ với Bloomberg Businessweek Việt Nam.

Đây cũng là một trong năm khoản tín dụng xanh đến từ nước ngoài mà các doanh nghiệp Việt nhận được từ đầu năm đến nay. Với hơn 639 triệu đô la của các khoản vay, hai khoản cấp cho ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chiếm gần 47% tổng giá trị. Hai khoản khác cấp cho công ty Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tín dụng xanh tại Việt Nam, xét theo cơ cấu tín dụng trong nước lẫn giá trị huy động từ nước ngoài, còn ở mức khiêm tốn.

Những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm tài chính xanh – sản phẩm tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Phổ biến nhất là tín dụng xanh, tuy nhiên quy mô khá nhỏ. Đến cuối năm 2022, tín dụng dư nợ cho vay dự án xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế, ở mức hơn 500 ngàn tỉ đồng. “Theo báo cáo ASEAN Sustainable Finance – State of the Market 2022, thị trường vốn xanh, bền vững và trách nhiệm xã hội của Việt Nam vẫn là thị trường nhỏ nhất trong nhóm ASEAN-6 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam),” ông Ahmed Yeganeh, giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam nhận định.

Xét theo giá trị, nguồn tín dụng xanh đến từ trong nước đang chiếm phần lớn. Trong khi các nước trong khu vực chứng tỏ khả năng thu hút tín dụng xanh từ quốc tế tốt hơn Việt Nam. Dư nợ tín dụng xanh trung bình hàng năm của Thái Lan, Singapore và Indonesia lần lượt là 5,8 tỉ đô la, 7,3 tỉ đô la và 30,4 tỉ đô la Mỹ, theo ông Bruce Delteil, giám đốc điều hành McKinsey & Company Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 2,6 tỉ đô la Mỹ. “Chúng ta đang tụt hậu so với các đối tác trong khu vực về tín dụng xanh,” ông nói thêm.

Đâu là những nút thắt khiến thị trường tín dụng xanh của Việt Nam vẫn im ắng trong suốt thời gian qua? Đầu tiên là thách thức về thủ tục. Theo đại diện McKinsey & Company Việt Nam, chưa có khung pháp lý và thủ tục rõ ràng để doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay xanh. Điều này gây bối rối cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh. Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số định hướng kế hoạch tăng trưởng bền vững từ năm 2012.

Tuy nhiên, tiến độ chuyển đổi xanh giữa các ngành lại khác nhau. Trong khi ngành năng lượng tái tạo được thúc đẩy nhờ quy hoạch Điện VIII, các ngành khác lại chưa có chính sách giảm phát thải với mục tiêu cụ thể. Do vậy, trong tổng hơn 500 ngàn tỉ đồng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam năm ngoái, hai lĩnh vực thu hút vốn nhiều nhất là năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh, theo ông Ahmed Yeganeh, với số liệu tương ứng lần lượt là 47% và 30%.

Thách thức thứ hai là khi nộp hồ sơ vay xanh, doanh nghiệp phải chứng minh được đủ điều kiện cho vay, ví dụ công nghệ họ đang sử dụng bền vững. Phần lớn các công ty ở Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn hạn chế nên để chứng minh tính bền vững nhằm tiếp cận các khoản vay xanh là một thách thức. Do vậy, doanh nghiệp đành chọn vay thông thường. Cuối cùng là lãi suất vay. Tương tự BCG Gaia, hầu hết doanh nghiệp không tiết lộ lãi suất các khoản vay xanh. Riêng có công ty năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội ghi nhận khoản tín dụng xanh 160 triệu đô la, với lãi suất khoảng 9,3%/năm, thời hạn ba năm.

Theo McKinsey & Company Việt Nam, lãi suất cho các dự án xanh không có nhiều khác biệt so với các dự án thông thường. Lý giải về điều này, ông Bruce Delteil cho biết, do chưa có các tiêu chí đánh giá thống nhất về khoản vay xanh, dẫn đến rủi ro nợ xấu cao hơn và thời gian trả nợ dài hơn với các tổ chức tín dụng. Lãi suất cho vay ngắn hạn với các khoản vay xanh dao động từ 6,2%-9,4%/năm, trong khi lãi suất cho vay dài hạn dao động từ 9,4%-11,4%/năm, theo một báo cáo của đại học Ngân hàng TP.HCM vào năm 2020.

Sự giằng co giữa nền kinh tế nâu và xanh không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà của toàn cầu. Dữ liệu Bloomberg chỉ ra, năm 2022, các khoản tín dụng xanh toàn cầu đạt hơn 125 tỉ đô la Mỹ, trong khi các khoản tín dụng cho dự án dầu, khí đốt và than đã vượt 440 tỉ đô la. Các chủ ngân hàng – những người điều phối bức tranh tài chính này, ghi nhận khoảng 3,3 tỉ đô la doanh thu từ các giao dịch cấp tín dụng cho các dự án dầu, khí đốt và than. Con số này bỏ xa 0,9 tỉ đô la doanh thu từ cấp tín dụng cho các dự án xanh. Tuy vậy, dòng chảy vào thị trường này vẫn đang hình thành, ghi nhận tăng trưởng ngày càng nhanh qua từng năm.

“Không thể phủ nhận, Việt Nam còn nhiều điều cần thực hiện trên con đường hướng tới thị trường xanh và bền vững,” ông Võ Trí Thành, viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh. Việt Nam đang chịu áp lực phải nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp. Điều này đặc biệt quan trọng do nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất dành cho xuất khẩu. Ông Ahmed Yeganeh đến từ HSBC Việt Nam nêu rõ, khi các thương hiệu quốc tế tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng trung hòa các bon, muốn tham gia Việt Nam phải có khả năng cung cấp năng lượng sạch cho các nhà sản xuất toàn cầu. Đây là điều các nhà kinh doanh ở Việt Nam phải lưu ý khi giao dịch với các nhà đầu tư và thị trường tiêu dùng phương Tây.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết cụ thể mục tiêu phát thải các bon ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP- 26) năm 2021. Việt Nam cũng từng bước từ bỏ điện than vào thập niên 2040, kèm theo đó là nhiều định hướng và kế hoạch phát triển bền vững toàn quốc qua nhiều năm. Điều quan trọng là các chính sách này cần tiếp tục được xem xét để đảm bảo tính nhất quán và giúp tránh các hoạt động gắn mũ xanh.

Chặng đường xanh hoá dòng vốn mặc dù vẫn còn xa điểm đích, nhưng thị trường đang dần định hình những quỹ đạo mới qua mỗi năm. Đại diện HSBC khẳng định rằng ngân hàng cam kết sẽ đồng hành cùng khách hàng có cam kết chuyển đổi. Với BCG Gaia, chuyển đổi xanh đang mở ra cơ hội. “Khoản tín dụng xanh đã giúp các dự án của công ty cân đối dòng tiền, góp phần lớn nâng cao hiệu quả tài chính,” bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương nói.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 10.2023, Bloomberg Businessweek Vietnam