Minh họa: Philip Lindeman cho Bloomberg Businessweek
Giữa bối cảnh thị trường khởi sắc, hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp dậy sóng trở lại. Đây là lúc nhà đầu tư cần thận trọng.
Chiều mưa 18.8.2023, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến phiên lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay: Chỉ số VN-Index giảm hơn 55 điểm, gần 160 cổ phiếu nằm sàn. “Nhìn bảng điện mà lạnh sống lưng,” chị Vương Ngọc Phụng, 30 tuổi, trợ lí giám đốc bần thần nói.
Cú lao dốc của thị trường diễn ra sau giai đoạn tăng kéo dài từ đầu năm, cùng với sự hưng phấn ngày càng cao của nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ. Cổ phiếu đầu cơ là nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư mua với mục đích đầu cơ, có mức độ rủi ro cao nhưng lại mang lại kỳ vọng lợi nhuận lớn. Chỉ số VNSmallcap đo lường biến động giá của các cổ phiếu nhỏ, đã tăng hơn 27,5% kể từ đầu năm đến ngày 23.8.2023. Cùng giai đoạn, các chỉ số như VN30, đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa cao nhất trên sàn, VNMidcap – chỉ số đo lường biến động giá của khoảng 70 cổ phiếu vốn hóa vừa – tăng lần lượt 17,7% và 22,7%. Có thời điểm chỉ số VNSmallcap tăng hơn 36% so với đầu năm, bỏ xa các bộ chỉ số còn lại.
Trong hơn ba năm, từ cuối năm 2017 đến tháng 7.2021, phần lớn thời gian chỉ số VNSmallcap đều có hiệu suất thấp hơn so với VN-Index, chỉ số chung của thị trường. Nhưng đến tháng 8.2021, khi VN-Index vượt mốc 1.330 điểm sau nhiều năm, thị trường chứng kiến mức nhảy vọt của nhóm cổ phiếu nhỏ này. Có lúc, VNSmallcap đạt hơn 2.211 điểm, trong khi VN-Index đạt mốc hơn 1.492 điểm. Tương tự, nhóm cổ phiếu thuộc VNMidcap cũng tăng theo, bỏ xa khoảng cách với VN30 hay VN-Index. Đây là lúc lãi suất ngân hàng duy trì thấp, các kênh đầu tư khác gặp thách thức do dịch bệnh và nhiều nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường chứng khoán. Có thời điểm, dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 85 – 90% thanh khoản toàn thị trường, theo thống kê của công ty tư vấn tài chính FIDT. Nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ này thậm chí trở thành đối tượng dẫn dắt sự sôi động của thị trường trong giai đoạn này.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập, giám đốc công ty tư vấn tài chính FIDT, lý giải, tâm lý nhà đầu tư cá nhân Việt Nam thường tập trung vào số lượng cổ phiếu mà họ sở hữu. Cùng với một số vốn nhất định, họ có xu hướng mua cổ phiếu giá rẻ để được sở hữu số lượng nhiều hơn. Cùng quan điểm, ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam nhấn mạnh: “Nhiều nhà đầu tư e ngại mua cổ phiếu giá cao. Mặc dù cổ phiếu thị giá cao được thừa nhận rộng rãi là lựa chọn chắc chắn, nhưng họ vẫn tìm kiếm những cổ phiếu có thị giá thấp.” Ông giải thích, nhà đầu tư nhỏ lẻ “tin rằng giá thấp thì rủi ro cũng thấp.” Chị Ngọc Phụng thừa nhận, vì tiền vốn ít, chị thường chọn cổ phiếu giá rẻ để “mua được nhiều”.
Có hai điểm tương đồng về bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại và thị trường giai đoạn Covid là số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và cổ phiếu vốn hóa nhỏ được ưa chuộng. Trong tháng 7, có hơn 150 ngàn tài khoản cá nhân trong nước mở mới, theo trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, nâng số lượng tài khoản tính đến hết tháng Bảy năm nay vượt 7,4 triệu tài khoản. Tháng Bảy cũng là tháng thứ ba liên tiếp thị trường đón nhận số tài khoản mở mới ở mức trăm ngàn tài khoản. Giai đoạn trước năm 2020, mỗi tháng có vài chục ngàn tài khoản cá nhân mở mới. Sự ưa chuộng cổ phiếu vốn hóa nhỏ thể hiện rõ ở mức giá nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra mua.
Đi cùng với thanh khoản thị trường, chỉ số P/E, tỉ lệ giữa giá cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu của nhóm VNSmallcap gần mức 22, mức cao nhất kể từ năm 2014, thời điểm ra đời chỉ số này. Để dễ hình dung, đầu năm 2020, P/E của VNSmallcap chỉ ở mức 6,9 lần. Đây là năm thị trường được hỗ trợ nhờ kì vọng từ chính sách tài khóa và tiền tệ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch Covid.
Bởi tăng nhanh, nên khi giảm, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng lao dốc không phanh. Chị Ngọc Phụng vẫn nhớ như in làn sóng bán giải chấp đã gây ra sự sụt giảm mạnh tài khoản của mình vào cuối tháng 4.2022, khi VN-Index quay về mức dưới 874 điểm thiết lập từ năm 2007. “Nếu được quay lại, tôi sẽ bán hết chứ không giữ,” chị nhớ lại. Do những loại cổ phiếu này có thể quay đầu trong chớp mắt, rất dễ nằm sàn, khiến nhà đầu tư cá nhân khó quản lý danh mục đầu tư trong thời khắc căng thẳng. Đơn cử, sau câu chuyện thao túng giá của tập đoàn FLC, các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái tập đoàn này giảm đến gần 90% tính từ đỉnh. Mới đây nhất, các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái tập đoàn APEC giảm gần 50% chỉ trong một tháng, kể từ ngày cựu tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng bị khởi tố.
Sau chín tháng rời xa bảng điện, đầu năm nay, chị Ngọc Phụng quyết định đầu tư từ số tiền tiết kiệm vừa đáo hạn. Từ kinh nghiệm ba năm gia nhập thị trường, chị đặt ra những quy định riêng cho bản thân. “Tôi sẽ cắt lỗ khi một mã giảm 4-5% trong phiên. Trước đây tôi từng hy vọng giảm rồi sẽ tăng. Nhưng bây giờ thì không,” chị tâm sự. Quản trị rủi ro là một trong những tín hiệu cho thấy nhận thức nhà đầu tư cá nhân với thị trường chứng khoán ngày càng cao. Bên cạnh đó, trong một thị trường biến động từng giây, việc đánh giá mỗi cổ phiếu còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Khi quyết định lướt sóng, nhà đầu tư cần chấp nhận bản chất của làn sóng đầu cơ, nơi mà ngay cả những người nhà tạo lập đôi khi cũng có thể đối mặt với thất bại. “Cổ phiếu giá thấp bây giờ tôi không còn dám lao vào,” chị Ngọc Phụng cho hay.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 10.2023, Bloomberg Businessweek Vietnam