Làm điều mình thích, thế là đủ!

|

Đam mê phim ảnh từ thời thơ ấu, Lê Đắc Giang cùng đội ngũ đang tạo ra điểm hẹn cho cộng đồng yêu thích phim ảnh trao đổi, bình luận.

Khoảng bốn năm trở lại đây, sau mỗi ngày đi học hay làm về, Nguyễn Vũ Minh Hoàng, 23 tuổi, hiện làm thiết kế tại TP. HCM, có thói quen mở máy tính, xem những video bình luận phim để giải trí. Là người đam mê phim ảnh, trước đây sau mỗi lần xem xong một bộ phim, Minh Hoàng thường vào những trang web chấm điểm nổi tiếng như Rotten Tomatoes, IMDb, Metacritic… để đọc các bình phẩm, bàn luận nội dung liên quan như khả năng diễn xuất, kịch bản, âm nhạc… Cho đến một ngày, Minh Hoàng phát hiện ra “kho báu” mới khi xem một video bình luận đến từ Phê Phim – kênh tiếng Việt chuyên bình luận, chấm điểm các bộ phim và tác phẩm điện ảnh thành lập vào năm 2017.

“Thị trường bình luận phim ở Việt Nam mới nhen nhóm, nhưng đang trở mình ấn tượng,” Vương Hữu Danh, 30 tuổi, đạo diễn một số bộ phim ngắn, chia sẻ với Bloomberg Businessweek Việt Nam. Sự nổi lên của công nghệ và mạng xã hội đã giúp các kênh nội dung ngày càng phát triển, dù là phục vụ nhu cầu đại chúng, hay giới hạn như Chris Anderson miêu tả trong quyển sách Cái đuôi dài. Cộng đồng yêu thích nghệ thuật thứ Bảy ở Việt Nam có nơi ghé thăm, đọc, trao đổi, bình luận trên các kênh như Phê Phim, The Reviewer, W2W Movie… Sau bảy năm hoạt động, Phê Phim hiện có 1,69 triệu người đăng ký trên Youtube, 2.377 video có tổng lượt xem hơn 766 triệu, trở thành kênh bình luận phim hàng đầu ở Việt Nam.

 

Các video của Phê Phim thu hút người xem bằng lối kể chuyện chặt chẽ, phân đoạn rõ ràng như: Giới thiệu, giải thích, nhận định về phim. Thi thoảng, sẽ có những thông tin bên lề được cài cắm ở những cảnh quay liên quan. Trước mỗi video đều có khuyến cáo rằng video này sẽ không thể thay thế trải nghiệm xem phim thuần tuý, và cảnh báo tiết lộ nội dung phim cùng dòng chữ: Spoilers, màu đỏ, liên tục nhấp nháy khoảng vài giây trước khi vào nội dung chính. “Phê Phim nổi tiếng vì những nhận xét chi tiết, nhiều góc nhìn và video được làm rất công phu,” Vương Hữu Danh nhận định.

Nếu có điều gì được giữ nguyên ở Phê Phim sau nhiều năm, thì đó là dòng giới thiệu: Fanatical about films (tạm dịch: yêu phim phát cuồng) mà Đặng Chân Nhân viết “vu vơ” ngày thành lập kênh. Nhân và Giang, hai người bạn học thời cấp hai đã quyết định khởi sự kênh vì đều yêu thích phim, và thị trường cũng chưa có ai làm video bình luận phim. Khi ấy Giang 27 tuổi, quyết định thôi việc ở ngân hàng. “Tôi làm vì con tim mách bảo,” anh nói.

Hai chữ “thành lập” nghe có vẻ to tát, nhưng mô hình ban đầu chỉ đơn giản là Giang lên kịch bản và thu âm, còn Nhân chỉnh sửa video. Phản hồi “không muốn nghe lắm” từ vị khán giả đầu tiên, cũng là mẹ của nhà sáng lập, Lê Đắc Giang thuật lại, là giọng đọc chưa hay, ngắt nghỉ không phù hợp. Lý do là “viết chưa tốt,” một phần do vốn từ vựng tiếng Việt hạn chế của chàng trai Hà Nội nhưng sinh và lớn lên ở Ba Lan, tốt nghiệp đại học California, San Diego. Biện pháp anh lựa chọn nhằm khắc phục, là đọc và xem mọi thứ bằng tiếng Việt, từ truyện tranh đến xem phim.

Để có nội dung đa dạng, không gây nhàm chán, kênh Phê Phim cần có thêm nhiều người tham gia viết kịch bản, đọc lời bình. Thử thách khác hiện ra: Đào tạo đội ngũ. Trầy trật một thời gian dài, “tay ngang” như Giang cũng nhận ra, bản thân mình chưa viết tốt, cũng như chưa thể chấp nhận, khuyến khích phong cách thể hiện khác nhau. “Viết là khi phòng thủ đang ở mức yếu nhất, bởi mọi người đang mở hết, giãi bày tâm tư của mình. Nếu nói điều này không ảnh hưởng tới họ thì dối lòng,” anh nói.

Tương tự bất kỳ sản phẩm nội dung nào, tìm ra bản sắc luôn là bài toán quan trọng cần phải giải. Sau khi thử nghiệm nhiều cách tiếp cận, từ yêu thích cá nhân đến các bộ phim đang nổi, Lê Đắc Giang rút ra một điều, chạy theo những xu hướng mới nổi hay làm đơn giản, dù đạt nhiều lượt xem, vẫn sẽ không bền. “Qua nhiều lần thay đổi, tôi muốn làm những nội dung mình hiểu rõ, dù chưa đảm bảo cho mình về lượt xem hay tài chính,” Giang nói.

Lối đi riêng này giúp Phê Phim khác biệt với các trang mang vỏ bình luận, thực tế là cung cấp nội dung tóm tắt bộ phim. “Những video tường thuật phim ngày càng phổ biến, khiến người xem bị lẫn lộn,” Vương Hữu Danh lý giải. Theo Minh Hoàng, các trang như vậy xuất hiện trên tài khoản mạng xã hội của anh ngày càng nhiều, theo thuật toán hiển thị của Facebook, Instagram hay TikTok. Quan trọng hơn, khán giả bị cuốn hút bởi sự hiểu biết và tình yêu về phim mà những người đằng sau Phê Phim muốn truyền đạt.

 

Bỏ qua một số nhược điểm ban đầu như thu âm, cách quay dựng, lối kể chuyện có lúc “lủng củng” theo tự nhận của Giang, khán giả vẫn tiếp nhận những bình luận, nhất là các bộ phim phương Tây, địa hạt mà Giang có thể cảm thụ và chia sẻ thấu cảm về văn hóa sau thời gian dài học và làm việc ở nước ngoài. Minh Hoàng hứng khởi kể lại một số video mà anh tâm đắc, như video bình luận phim Midsommar hay loạt phim Chúa tể những chiếc nhẫn (tựa gốc: The Lord of the Rings). Dù vậy, không ít lần Phê Phim nhận được “gạch đá” từ người xem, bởi dù gì “việc dở hay của một bộ phim rất cá nhân,” theo Hữu Danh.

Trò chuyện với Lê Đắc Giang vào một ngày trung tuần tháng đầu năm 2024, vẻ ngoài của mái tóc rối, hay chiếc áo phông trắng đơn giản dường như khác hẳn với các sản phẩm do anh và nhóm tạo ra: Nghiêm túc và chỉn chu. Bởi anh đang làm điều mình thích, chấp nhận bỏ ngang sự nghiệp và cơ hội kế nghiệp từ người cha là nguyên tổng giám đốc ngân hàng, cũng như chủ tịch đại học Đại Nam. Tình yêu đầu đời với phim ảnh lộ diện khi Giang lên sáu, lần đầu được xem Vua sư tử, “cảm xúc mạnh mẽ đến mức ám ảnh,” như Giang thuật lại. “Có những cảnh khiến tôi sợ hãi như khi ông chú Scar xuất hiện, hay những cảnh chẳng bao giờ dám xem như lúc nhân vật Mufasa chết,” Lê Đắc Giang hồi tưởng. Song, người đứng đầu phải đảm trách chèo lái con thuyền mà ở đó, các thành viên đều là người trẻ với những ước mơ, cùng những trái tim đầy nhiệt huyết nhưng cái tôi cũng cao ngút trời. Dễ thấy, con thuyền Phê Phim cũng chính là hình ảnh quen thuộc ở các startup (công ty khởi nghiệp) mà mỗi khi nhắc lại, Lê Đắc Giang vẫn tự hỏi không rõ bản thân đã vượt qua ra sao.

Sau cùng, mục tiêu của Lê Đắc Giang là gì? Trở thành kênh bình luận phim triệu lượt xem? Có nhiều quảng cáo? Tất cả đều không phải. “Đó là làm phim,” Lê Đắc Giang nói. “Tôi mong ngày nào đó kéo đội ngũ viết hiện tại, tạo ra một tác phẩm nguyên bản, sâu sắc và Việt Nam.” Khi được hỏi liệu anh đã đặt cho mình mốc thời gian cụ thể, Lê Đắc Giang ngập ngừng: “Có những chuyện không thể gấp gáp được. Làm phim là một trong số đó.”

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 2.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam