TS Katalin Kariko, nhà khoa học, tác giả công nghệ mRNA đứng sau vaccine Covid-19 là người nhận giải thưởng VinFuture lần đầu tiên (cùng 2 nhà khoa học khác).
Tại lễ trao giải, TS Katalin Kariko xúc động không nói lên lời. Bà bày tỏ lòng biết ơn tới các nhà sáng lập và hội đồng giải thưởng. “Giải thưởng này là điểm sáng về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế”, bà nói và cho biết rất vui mừng có mặt ở Việt Nam. Ngày đầu tiên bà Katalin đặt chân đến Việt Nam tham dự Tuần lễ khoa học VinFuture tại Hà Nội cũng là sinh nhật của nhà khoa học này.
Khi chúng tôi chúc mừng sinh nhật giáo sư, bà cười và nói rằng: “Đừng gọi tôi là Giáo sư Katalin hay Ms. Kariko, hãy gọi tôi là Kate!”. Cuộc trò chuyện với Kate đã bắt đầu như vậy.
Báo chí liên tục đưa tin rằng bà là “người hùng khoa học”, đã đóng góp to lớn cho cuộc chiến chống Covid-19. Bà có cảm nghĩ gì về điều này?
Tôi luôn tin rằng, những người hùng thực sự là những nhân viên y tế tuyến đầu, là những người đã làm việc ngay cả không có vaccine, những người đã liều mạng hàng ngày để cứu bệnh nhân.
Họ mới là người hùng. Còn tôi thì không. Tôi chỉ đến phòng thí nghiệm, chưa bao giờ mạo hiểm với mạng sống của mình. Hơn cả, tôi chẳng cảm thấy rằng mình đang liều mạng khi tạo ra vaccine.
Những người hùng khác với tôi là các đồng nghiệp. Có những người đã hy sinh cả cuộc đời họ cho khoa học, những người không còn trên cõi đời nữa, nhưng đã đóng góp vô cùng lớn cho tiến bộ khoa học.
Bản thân tôi có lẽ đến đây chỉ đại diện cho họ. Tôi hạnh phúc vì vaccine có tác dụng. Nhưng thành thật, tôi chưa bao giờ có ý định làm vaccine. Tôi muốn tạo ra thuốc điều trị.
Bà chưa từng có ý định tạo ra vaccine? Vậy ý định của bà là gì khi nghiên cứu công nghệ mRNA?
Tôi không nghiên cứu để tạo ra vaccine. Thực chất, tôi tập trung vào ARN thông tin (mRNA), vật liệu di truyền mang chỉ thị AND cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Và tôi tin rằng mRNA có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, bao gồm cả vaccine. Như vậy thì mRNA có thể điều trị bệnh nhân bị đông máu sau ca phẫu thuật não, thường gây đột quỵ nữa.
Đó là mục tiêu của tôi. 8 năm trước, tôi đã đến Đức để nghiên cứu về công nghệ sinh học, và vai trò của tôi là phát triển cho liệu pháp này. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã giúp mọi người chú ý nhiều hơn đến công nghệ này, vì nó liên quan đến vaccine. Còn những ứng dụng khác có thể kể đến như chúng tôi đã thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh nhân bị xơ hoá gan, và 3/6 bệnh nhân đã ghi nhận kết quả rất tốt.
Hay như trong điều trị tim cũng vậy. Khi tiến hành phẫu thuật nối động mạch tim, họ sử dụng công nghệ mRNA để kích thích mạch máu, còn được gọi là VEGFA. Sau đó, chúng tôi nhận thấy rằng hoạt động của tim đã được cải thiện. Thử nghiệm này hiện đang ở giai đoạn 3.
Và có rất, rất nhiều ứng dụng khác. Đồng nghiệp của tôi, ông Drew Weissman tuần trước đã xuất bản nghiên cứu về điều trị xơ hoá cơ tim.
Vậy là những nghiên cứu ban đầu của bà đã đi theo một hướng hoàn toàn khác?
Đúng vậy. Thực ra đây cũng là chuyện bình thường với tất cả các nhà khoa học. Những nghiên cứu của họ rồi sẽ hữu ích đối với những mục tiêu thậm chí họ không đoán định từ trước.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu bản chất của vấn đề, và giải quyết vấn đề đó như thế nào. Đó là công việc hàng ngày của nhà khoa học. Và hơn nữa, biết đâu những nghiên cứu của bạn đang được coi là cơ bản ngày hôm nay, nhưng lại có thể cứu sống ai đó vào ngày mai thì sao?
Nhưng trước đây, công nghệ mRNA đã từng được cho là ý tưởng viển vông. Có lúc nào bà muốn từ bỏ trong quá trình nghiên cứu?
Ồ không đâu! Không, không, không và không (cười).
Tôi rút ra được một điều: Bạn không cần cố theo đuổi một chương trình mà chẳng mang lại kết quả, hay chẳng có cải thiện nào cả. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, tôi đã tìm thấy những protein mới do tế bào tạo ra. Điều này chứng tỏ có thể dùng mRNA để hướng dẫn bất kỳ tế bào nào tạo ra protein theo ý muốn.
Như vậy là chúng tôi đã thấy rõ những cải thiện của nghiên cứu. Điều quan trọng là việc gắn bó với quá trình nghiên cứu, và sự kiên trì khi nhìn thấy có kết quả nhất định.
Việc này như giải đố ô chữ ấy. Chỉ có điều, câu hỏi là do chúng tôi tự đặt ra, và chúng tôi phải tự tìm lời giải cho những bài toán đó. Khoa học là việc bạn đưa ra những thử nghiệm mới, tìm ra các câu trả lời. Đôi khi, từ một câu đố bạn sẽ nghĩ ra hơn 10 câu đố khác, và quá trình này là vô tận.
Bởi vậy nên bạn luôn nghĩ về nó. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi luôn đặt câu hỏi cho những gì đang diễn ra, chúng tôi tìm lời giải từ những kết quả mới. Và từ những thí nghiệm cũ, chúng tôi có thể nhìn ra bức tranh một cách hệ thống hơn.
Theo một cách nào đó, có thể nhiều người cho rằng chúng tôi đang tìm hiểu những điều mà chẳng ai quan tâm. Nhưng bản thân tôi có thể nhìn thấy được những kết quả bước đầu. Đó mới là điều quan trọng. Nên tôi luôn nhấn mạnh rằng, chúng tôi cần phải kiên quyết, nhẫn nại với công trình của mình.
Đôi khi, chỉ một kết quả nhỏ thôi, cũng đủ làm động lực để bạn đi tiếp.
Tôi có cảm giác rằng cuộc sống cá nhân và quá trình nghiên cứu của một nhà khoa học dường như là một?
Với tôi thì, cuộc sống hằng ngày cũng như làm khoa học, bởi vì nó nằm trong tầm tay bản thân. Ví dụ như tôi ở trong phòng thí nghiệm, tôi có thể kiểm soát hoàn toàn những gì mình làm. Từ tạo ra mRNA, gieo mầm tế bào, thực hiện thí nghiệm…
Và ngay cả khi tôi không có vị trí trong giới khoa học, thì tôi cũng cảm giác rằng mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình, mình chịu trách nhiệm trong phòng thí nghiệm này, cũng như cuộc sống của mình.
Bà có rất nhiều năng lượng tích cực. Liệu làm một nhà khoa học cũng cần phải có khiếu hài hước?
Đương nhiên rồi! Bởi bạn biết gì không? Bạn sẽ thất bại hàng tá lần! Và nếu cứ mỗi lần thất bại, bạn lại ủ rũ, rồi từ bỏ, thì bạn không thể trụ nổi đâu!
Bạn phải có khả năng chịu đựng thất bại. Mà tôi nghĩ là, bất kỳ bạn đang làm công việc gì, bạn cũng nên làm với niềm vui. Bạn yêu công việc, thì bạn mới vui vẻ làm việc được.
Quay lại về sự kiện ngày hôm nay. Điều gì khiến bà nhận lời tham gia Tuần lễ trao giải VinFuture lần này tại Việt Nam?
À, trước đó tôi đã làm 24 năm tại Đại học Pennsylvania và Tập đoàn Vingroup có thỏa thuận hợp tác chiến lược với Đại học Pennsylvania. Đương nhiên, tôi đã nghe nói rất nhiều về VinUniversity và Việt Nam.
Hồi năm 1972, khi tôi học đại học ở Hungary, rất nhiều sinh viên Việt Nam đã ở đó. À, một trong những người bạn khi ấy cũng sẽ đến đây tối nay, tên cô ấy là Hương.
Hồi ấy, có lần cô ấy đã mời chúng tôi đến phòng và nấu rất nhiều món ngon. Tôi nhớ có nem và nhiều món khác nữa. Chúng tôi ở trong một ký túc xá, rất nhiều sinh viên Việt Nam đã ở đó.
Và bạn biết gì không? Sinh viên Việt Nam sang Hungary chỉ có một năm học tiếng thôi. Họ phải học tiếng, và học chuyên ngành cùng lúc. Nói thật là tôi không tưởng tưởng được tôi sẽ phải học tiếng Hungary chỉ trong 1 năm mà đạt được trình độ như vậy.
Thế nên tôi cũng phần nào hiểu được những khó khăn của người làm khoa học, nhất là với nền tảng tương tự. Với chúng tôi, việc nhìn thấy những khó khăn mà đồng nghiệp gặp phải cũng là động lực giúp chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn, và trân trọng những gì mình có.
Tôi nhận lời tham gia sự kiện VinFuture lần này bởi đây là một sự kiện khoa học. Chúng tôi đến để tôn vinh khoa học, cũng như chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Vậy bà mong chờ điều gì từ sự kiện khoa học lần này?
Tôi nghĩ điều tôi kỳ vọng nhất đó là việc được truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Trong lĩnh vực khoa học, việc hợp tác là vô cùng quan trọng, nhất là hợp tác quốc tế.
Thông điệp của tôi với những bạn đang theo đuổi khoa học, muốn trở thành nhà khoa học, đó là sẽ chẳng có công thức nào cả. Những nghiên cứu của tôi trước giờ chưa bao giờ với mục đích phát minh ra vaccine.
Điển hình như ngày trước, có một thời gian nhiều nhà sinh học phân tử chỉ tập trung vào vitamin. Rồi sau đó những nghiên cứu của họ lại đi theo hướng hoàn toàn mới. Bởi vậy, có thể bạn bắt đầu với một mục đích, nhưng bạn sẽ tìm ra một kết quả khác trên con đường làm khoa học.
Bởi khoa học nên là việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống, trong tự nhiên. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết những nghiên cứu của mình sẽ dẫn mình tới đâu.
Bà nói rằng điều bà kỳ vọng nhất là được truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Được biết, bà phát hiện ra tình yêu khoa học khi còn rất nhỏ, mới 5 tuổi. Câu chuyện nào bà muốn chia sẻ với thế hệ trẻ Việt Nam trong chuyến đi lần này?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ, với chỉ duy nhất một căn phòng. Gia đình tôi hồi ấy thậm chí còn chẳng có nước máy, cũng không có TV, tủ lạnh. Nói chung là không có gì cả.
Tôi kể điều này không có ý kể khổ đâu. Ý tôi là, không quan trọng bạn sinh ra ở điều kiện gia đình như thế nào, xuất phát điểm của bạn ở đâu, bạn có thể trở thành bất cứ điều gì bạn mong muốn, miễn là bạn đặt tâm trí của mình vào đó. Bạn không cần phải là con của một giáo sư mới có thể trở thành một giáo sư.
Tôi may mắn có cha mẹ khuyến khích tôi học, tôi cũng có những người thầy tuyệt vời. Chứ tôi chẳng có kỹ năng gì đặc biệt cả. Tôi cũng chẳng hề thông minh. Tôi không thể nhớ được tất cả những gì giáo viên giảng. Tôi học không giỏi. Bạn biết khái niệm “straight-A student” không? Là các bạn học sinh hoàn hảo, luôn được điểm tuyệt đối trong các kỳ thi ấy! Tôi không thuộc số đó. Tôi thậm chỉ còn chẳng ở nhóm điểm cao trong lớp.
Tôi có đọc được đâu đó rằng, trong quá khứ, việc kêu gọi tài trợ cho các dự án của bà liên tiếp gặp thất bại.
Cá nhân tôi, thú thật nhé, tôi không dám nói với đồng nghiệp là tôi thích viết đơn xin tài trợ nghiên cứu.
Bà thích viết đơn xin tài trợ nghiên cứu?
Tôi rất thích! Tôi dành hàng giờ để đọc đi đọc lại, nghĩ đến các kết quả khác nhau có thể xảy ra. Mà cái này tôi không bao giờ nói với các đồng nghiệp khác, bởi kiểu gì họ cũng nghĩ tôi có vấn đề.
Bà có lời khuyên nào cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam muốn làm khoa học, và sẽ phải chuẩn bị kêu gọi tài trợ cho các dự án của mình không?
Tôi nghĩ là các bạn sẽ phải tiếp tục cố gắng thôi. Tất cả những người Việt Nam mà tôi quen biết, họ đều là những người vô cùng chăm chỉ. Đó là điều bạn cần khi là một nhà khoa học.
Hơn nữa, ở thời đại công nghệ hiện nay, mọi người đều có vô số cơ hội. Ngày trước, khi tôi đi học ở Mỹ, mỗi tuần trường của tôi sẽ mời các giáo sư đến thỉnh giảng. Có vô số các giáo sư giỏi, nào đến từ Ivy League, hay M.I.T… Tôi thường kiểm tra lịch hàng tuần và đến nghe họ giảng.
Bây giờ thì khác. Bạn có thể tìm kiếm mọi thứ trên internet. Bạn có thể học ngoại ngữ, học khoa học, học đủ thứ… Mọi thứ đều dễ dàng hơn nhiều.
Vậy lúc chưa có internet, việc học của bà ra sao?
Ngày trước, tôi học tiếng Nga ở Hungary. Đến năm 18 tuổi, tôi đến Mỹ học và khi ấy, một chữ tiếng Anh bẻ đôi tôi cũng chẳng biết.
À, chữ duy nhất mà tôi biết trong tiếng Anh là “The End”, vì cuối mỗi bộ phim thường có dòng chữ này hiện lên. Thế nên tôi biết đúng một từ trong tiếng Anh lúc ấy. Và đương nhiên là tôi phải cố mà học để theo kịp với các bạn.
Tôi nghĩ đó cũng là điều hình thành tính cách của tôi bây giờ. Tôi cảm giác mình luôn phải “bắt kịp”. Bởi xung quanh tôi, mọi người đều nói được tiếng Anh, rồi họ có nhiều tài năng đặc biệt khác. Tôi thì chẳng có gì. Nên tôi phải học và làm việc chăm chỉ hơn thôi.
Đáng sợ nhất có lẽ là sự tự mãn. Nhiều người khi đạt được thành tựu, họ dễ dàng ngả lưng thoải mái và tự nhủ: Thế là đủ. Nhưng khi nhìn xung quanh, cuộc sống cứ thế trôi qua. Nên bạn cần phải chăm chỉ. Thế giới này không đủ chỗ cho sự tự mãn.
Bà là người truyền cảm hứng rất lớn trong giới học thuật. Vậy điều gì truyền cảm hứng cho bà mỗi ngày?
Mục tiêu lớn nhất của tôi là có thể đưa mRNA vào tế bào, thúc đẩy chúng tạo thành protein mới. Đó cũng là lý do vì sao tôi đến Đức, vì tôi muốn nhìn thấy người đầu tiên được trị liệu bằng mRNA.
Tôi muốn công nghệ này có thể chữa khỏi bệnh cho nhiều người hơn, những bệnh mà trước nay chúng ta chưa tìm được phương pháp cứu chữa. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt ở đó.
Nó cũng là động lực cho tôi thức dậy mỗi ngày, truyền cảm hứng cho nhiều người khác, bởi vì tôi đang nhận được vô số sự chú ý mà trước nay tôi chưa từng mơ về. Tôi không thích ánh đèn sân khấu, cũng không có nhu cầu làm ngôi sao. Nhưng bạn biết đấy, khi có cơ hội và người khác trao quyền, bạn cần chứng tỏ mình.
Nếu bạn gặp tôi 10 năm trước, thì tôi chẳng là ai cả. Tôi bị đuổi khỏi trường, tôi bị chẩn đoán ung thư, tôi chẳng có gì trong tay. Nhưng tôi cứ tiếp tục làm thôi.
Với thế hệ tiếp theo, tôi muốn nhìn thấy nhiều cô gái, chàng trai theo đuổi con đường khoa học hơn. Bởi vì nó là niềm vui vô tận. Tôi sống rất vui vẻ. Người ngoài nhìn vào thấy các nhà khoa học chúng tôi đầu tắt mặt tối, suốt ngày ở trong phòng thí nghiệm. Nhưng không phải, chúng tôi vui vẻ khi ở trong phòng thí nghiệm.
Có những ngày, tôi hồi hộp mong chờ đến ngày tiếp theo để đến phòng thí nghiệm. Tôi còn chẳng nhớ tôi đã nói câu này với đồng nghiệp mình bao nhiêu lần, rằng tôi chỉ ước giờ này là ngày mai, ngày kia, hay tuần sau đi, để tôi tìm ra kết quả thí nghiệm của mình.
Bài được đăng tải ngày 21.1.2022, CafeF