Sau 12 năm hoạt động, với gần 30% danh mục liên quan cổ phiếu thị trường chứng khoán Việt Nam, quỹ ETF trị giá 400 triệu đô la Mỹ thông báo sẽ đóng cửa cuối tháng 5.2025. Điều này sẽ tác động ra sao tới thị trường Việt Nam?
Chưa đầy hai tuần ra thông báo đóng quỹ, quỹ iShares Frontier and Select EM của BlackRock đã giảm tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam từ mức 28% xuống còn 13,79%. Quy mô giá trị tài sản ròng của quỹ từ đó cũng giảm còn hơn 370 triệu đô la Mỹ tính đến ngày 18.6.2024 so với mức 425 triệu đô la Mỹ của ngày 7.6, thời điểm ra thông báo.
Theo lộ trình đến ngày 12.8.2024, quỹ bán bớt tài sản, nắm giữ phần lớn tài sản bằng tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong thời gian thanh lý, đồng thời vẫn duy trì hoạt động giao dịch tạo và chuyển đổi chứng chỉ quỹ. Sau khi ngừng giao dịch vào ngày 31.3.2025, quỹ có ba ngày để thanh lý số tài sản còn lại. “Trong 12 năm kể từ khi thành lập quỹ, chúng tôi nhận thấy một số thị trường cận biên đã nâng hạng lên thị trường mới nổi, trong khi một số còn lại đang trải qua thách thức thanh khoản dai dẳng,” đại diện BlackRock trả lời Bloomberg Businessweek Việt Nam qua thư điện tử.
Đầu tư vào thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam từ tháng 9.2012 với tên iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF, tham chiếu theo chỉ số thị trường cận biên MSCI Frontier Markets 100 Index, quỹ được giao dịch trên sàn NYSE ở New York, với mã FM, mức phí quản lý 0,79%, nhằm phục vụ nhu cầu nhà đầu tư ở Mỹ muốn “đổ tiền” vào một số thị trường cận biên. Đến tháng 3.2021, nhằm mở rộng phạm vi đầu tư sang thị trường cận biên và mới nổi, quỹ đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM, với chỉ số tham chiếu MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index. Tài sản quỹ tăng mạnh trong giai đoạn tháng 10.2022 đến tháng 3.2023. Đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập vùng đáy, với kết thúc năm 2022, chỉ số VN-Index chỉ còn 1.007,09 điểm. Việt Nam cũng là thị trường có tỉ trọng lớn nhất trong danh mục quỹ, với 27,9% tính đến cuối năm 2023.
“Tôi không lo lắng quá nhiều về việc quỹ ETF này đóng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Xét cho cùng, đó là quỹ trị giá khoảng 400 triệu đô la, trong khi thị trường Việt Nam có quy mô hơn 200 tỉ đô la,” ông Todd Sohn, chuyên gia ETF tại chứng khoán Strategas, trụ sở New York, cho biết. Dựa trên lý do thanh khoản không đủ hiệu quả để quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM vận hành khi một số quốc gia thuộc thị trường cận biên được nâng hạng trong thời gian tới, ông Lê Tự Quốc Hưng – trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của chứng khoán Rồng Việt nhận xét: “Lý do đóng quỹ không phải đến từ yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam.” Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm, giám đốc phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, khối phân tích của chứng khoán Maybank cho biết: “Việc đóng cửa quỹ này sẽ không tạo ra những tác động quá lớn.”
Ngoài vấn đề về quy mô, câu chuyện về thời gian cũng là yếu tố cần để tâm. Quỹ dự kiến có thời hạn một năm để hoàn tất việc thanh lý. Như vậy, việc bán ra cổ phiếu có thể tuỳ vào tình hình thị trường, và có thể sẽ được dàn trải để đảm bảo khả năng hấp thu của thị trường. “BlackRock cũng đang ‘câu giờ’ để đóng quỹ, đặc biệt khi một số cổ phiếu trong quỹ có thể không có tính thanh khoản cao. Vì vậy, mọi tác động trọng yếu sẽ được dàn trải, thay vì chỉ là sự kiện trong một ngày,” ông Todd nói thêm.
Việc BlackRock đóng cửa quỹ ETF, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, cần đặt trong trong bối cảnh các quỹ tái cơ cấu tài sản toàn cầu. Chênh lệch môi trường lãi suất, đi kèm bất ổn địa chính trị toàn cầu đã khiến dòng tiền có khuynh hướng chuyển dịch từ nhóm các quốc gia cận biên và mới nổi – vốn được xem là nơi có rủi ro cao hơn, về các kênh đầu tư có mức độ rủi ro thấp hơn. Thực tế, không chỉ iShares Frontier and Select EM, BlackRock thông báo giải thể 14 quỹ tương hỗ và ETF khác cùng ngày nhằm đáp ứng mục tiêu đầu tư.
Nếu nhìn vào hiệu suất đầu tư của quỹ trong trung dài hạn, có thể thấy số liệu dường như không đáp ứng kỳ vọng trong thời gian qua. Hiệu suất đầu tư của quỹ trung bình ba và năm năm, chỉ đạt lần lượt 1,74%/năm và 3,18%/ năm. “Đây là những con số khá khiêm tốn và bị coi là thấp so với tiêu chuẩn của thị trường,” ông Nguyễn Thanh Lâm nói thêm. Trong khi đó, biến động của quỹ lại tương đối lớn, điển hình như giá chứng chỉ quỹ này đã bị giảm gần 26% trong năm 2022, trước khi hồi phục trở lại 9,8% năm 2023.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận thay đổi đáng kể trong các tháng qua, với lực lượng dẫn dắt chính đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thị trường vẫn duy trì đà tăng tương đối tốt, tăng 13,24% từ cuối phiên 29.12.2023 đến ngày 18.6.2024, theo dữ liệu Bloomberg. Thanh khoản mở rộng, tăng gần gấp đôi so với sáu tháng đầu năm 2023, bất chấp áp lực bán ròng đáng kể từ khối ngoại, xấp xỉ 1,7 tỉ đô la Mỹ từ đầu năm đến nay.
“Cần nhìn nhận động lực chính dẫn dắt thị trường hiện nay thuộc về nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, vì vậy các tác động bán ròng từ khối ngoại đã giảm bớt phần nào sức ảnh hưởng,” ông Lâm nói. Thị trường Việt Nam đã có hơn 132 ngàn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng Năm, nâng tổng số tài khoản lên mức hơn 7,9 triệu, mức cao nhất trong lịch sử theo dữ liệu trung tâm Lưu ký Chứng khoán. “Tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã cao hơn đáng kể so với khối ngoại,” ông Lê Tự Quốc Hưng nhấn mạnh.
“Cơ hội vẫn còn cho người ở lại,” ông Lê Tự Quốc Hưng cho biết. Theo ông, một số nhóm ngành sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng, hoặc có những cổ phiếu có câu chuyện phục hồi sau những biến động. Còn với những nhà đầu tư tại Hoa Kỳ vẫn mong muốn đầu tư vào Việt Nam, theo ông Todd Sohn, họ vẫn còn hai quỹ ETF khác để tiếp cận là VanEck Vietnam và Global X MSCI Vietnam. “Biết đâu sẽ có tổ chức phát hành mới xuất hiện? Vốn dĩ thị trường luôn thay đổi,” ông Todd nói.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 7.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam