Đường tới Nasdaq

|

Ảnh: VinFast

Hành trình VinFast đặt chân đến Nasdaq như một vị du khách trên sa mạc đang tìm nguồn nước. Giữa những thách thức về dòng vốn, hãng xe của Việt Nam đặt mục tiêu sớm có lãi “trong vài năm tới”.

Dạo quanh những con hẻm tại Chapel Hill, Bắc Carolina, ông David Witsell, 61 tuổi, nhận ra nhiều thay đổi quanh nơi ông sống. Khi Bắc Carolina ngày một nhộn nhịp, chứng kiến những gã khổng lồ công nghệ quen thuộc như Google Cloud, Apple, hay Google Fiber có mặt, một cái tên xa lạ với vị bác sĩ người Mỹ về hưu này: VinFast. “Sự hiện diện của VinFast ở đây khiến tôi rất tò mò,” ông David Witsell chia sẻ.

Từ giữa tháng Tám, VinFast không còn xa lạ với người theo dõi thị trường tài chính ở Mỹ, khi cổ phiếu VFS của công ty này niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua hình thức sáp nhập công ty mua lại theo mục đích đặc biệt (SPAC). Trong bốn tuần giao dịch với nhiều biến động, mà lúc cao nhất lên tới 93 đô la Mỹ cho một cổ phiếu, cái tên VinFasst xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. “Cơn sốt SPAC tưởng chừng như đã qua, nên tôi rất bất ngờ khi nhìn vào cổ phiếu của VinFast,” ông David Whiston, nhà phân tích chiến lược tại Morningstar nói với Bloomberg Businessweek Việt Nam.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là trở thành công ty niêm yết tại Mỹ,” bà Lê Thị Thu Thủy, tổng giám đốc VinFast trả lời phỏng vấn qua thư điện tử. “Việc sáp nhập SPAC cho phép chúng tôi đạt được mục tiêu này.” Thời điểm VinFast niêm yết, độ quan tâm đến SPAC không còn nóng như hai năm trước, song xe điện, sản phẩm mà VinFast quyết định tập trung sản xuất vào năm 2020, vẫn là đề tài thu hút mối quan tâm không chỉ ở thị trường chứng khoán, mà còn cả ngành công nghiệp xe hơi. Các doanh nghiệp lâu năm trong ngành đều có kế hoạch sản xuất xe điện nếu không muốn bị tụt hậu. Và những người thay đổi cuộc chơi đều là các tên tuổi mới như Tesla, BYD. Trong khi hai doanh nghiệp, một của Mỹ, một của Trung Quốc, có lợi thế về thị trường tiêu thụ, VinFast không có lợi thế như vậy. Do quy mô thị trường trong nước nhỏ, buộc VinFast “phải ra nước ngoài,” theo tiến sĩ Khương Quang Đồng, người có hơn 35 năm làm việc trong ngành ô tô ở châu Âu.

 

 

Tại đại hội cổ đông thường niên hồi năm 2020, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup – công ty mẹ của VinFast phát biểu rằng, Mỹ là thị trường mà doanh nghiệp xe điện này muốn vào. “Thị trường Mỹ giống như một phép thử,” ông Vượng nói. Bên cạnh hoạt động giới thiệu các mẫu xe điện ở Mỹ, VinFast cũng cấu trúc lại, đáp ứng những quy định của doanh nghiệp nước ngoài khi niêm yết tại Mỹ.

Vingroup chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 51,52% trong công ty Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho công ty VinFast Trading and Investment – công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore. Công ty ở Singapore này đã ký thỏa thuận khung với Credit Suisse (Singapore) để thu xếp các đợt phát hành, chào bán chứng khoán cho VinFast vào tháng 5.2022. Bảy tháng sau, VinFast nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Sau khi Credit Suisse ở Thụy Sĩ phải sáp nhập với UBS, cuối tháng 5.2023, VinFast rút đơn đăng ký IPO. Thay vào đó, họ chọn niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC với Black Spade. Với mức định giá 27 tỉ đô la trong thỏa thuận, đây là giao dịch SPAC lớn thứ ba trong lịch sử, theo dữ liệu của Bloomberg. Giám đốc điều hành Raymond James & Associates, ông Pavel Molchanov cho rằng thành công này đã mang lại cho VinFast vị thế đáng kể. “Đây là ví dụ hiếm hoi về một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế lớn,” ông nói.

Niêm yết thành công, trên lý thuyết, mở ra cơ hội gọi vốn cho VinFast, song nguồn vốn mới mà VinFast nhận được từ việc sáp nhập có thể coi như muối bỏ bể. Ngay trước thời điểm chuẩn bị niêm yết, lượng lớn cổ đông của Black Spade đã quyết định rút hơn 147 triệu đô la Mỹ, tương đương gần 86% giá trị sổ sách của Black Spade. Với doanh nghiệp lỗ ròng 2,1 tỉ đô la Mỹ tính đến cuối năm 2022, tìm thêm nguồn vốn cũng quan trọng không kém với việc phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.

</div

Đầu tháng 8.2023, Vingroup đã chào bán 10 ngàn tỉ đồng trái phiếu ra công chúng. Tổng số tiền thu được sẽ được Vingroup cho VinFast vay đầu tư dự án sản xuất ô tô tại Cát Hải, Hải Phòng. Tính đến ngày 30.6.2023, Vingroup, các công ty liên kết và các bên cho vay bên ngoài đã “bơm” khoảng 9,7 tỉ đô la cho VinFast, nhằm tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn, theo báo cáo F-1. Hãng xe điện này có tài sản khoảng năm tỉ đô la Mỹ, bao gồm 67,3 triệu đô la tiền mặt và các khoản tương đương tiền, tính đến 30.6.2023. Trong khi đó, VinFast lại đang gánh hơn 7,5 tỉ đô la các khoản vay ngắn và dài hạn. Chưa kể, doanh thu của VinFast đang giảm đáng kể, nhưng chi phí bán hàng lại giảm không tương xứng. Doanh thu sáu tháng đầu năm của doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ, trong khi chi phí bán hàng giảm 10%.

“Bao giờ VinFast có lãi?” là một câu hỏi chưa thể có ngay câu trả lời. Nhất là khi, doanh nghiệp xe điện non trẻ này cần “bơm vốn” liên tục. Có thể hiểu, việc niêm yết sẽ mang lại cho VinFast cơ hội tiếp cận vốn ở một thị trường lớn hơn nhiều. Ông Ken Foong, nhà phân tích cổ phiếu tại Bloomberg Intelligence, đồng tình rằng nhu cầu về vốn của VinFast hiện rất cấp bách. “Cùng với việc xây dựng nhà máy, hay mở rộng sang Mỹ và châu Âu, cũng như tiếp tục ra mắt các mẫu xe mới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đốt tiền trong ngắn hạn,” ông Ken Foong cho biết.

Có doanh thu từ trước khiến cho VinFast phần nào khác biệt so với một số hãng xe điện non trẻ vừa niêm yết. Các doanh nghiệp xe điện vừa niêm yết thường phải vật lộn để tăng cường sản xuất, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, theo giám đốc điều hành Raymond James & Associates. “VinFast sẽ không phải đối mặt với những rủi ro này.” Tháng 12.2021, tháng đầu giao mẫu xe điện đầu tiên VF e34 cho khách, VinFast bàn giao 85 xe. Đến quý II vừa qua, VinFast đã bàn giao 9.500 ô tô điện, cao hơn năm lần so với quý trước đó, theo báo cáo F-1/A của VinFast. Đặc biệt, ngày 22.3.2023, công ty Di chuyển Xanh và Thông minh GSM ký thoả thuận mua 30 ngàn xe ô tô điện và 200 ngàn xe máy điện từ VinFast trong vòng hai năm kể từ ngày có thoả thuận. Tại thị trường Mỹ, VinFast hiện diện với 137 chiếc xe điện được đăng ký từ tháng 3 đến tháng 6.2023, theo S&P Global Mobility.

Ngoài lợi thế đã có doanh số, nhà máy VinFast còn được xây dựng ngay phía Nam Research Triangle Park, một trong những khu nghiên cứu khoa học lâu đời và lớn nhất ở Bắc Mỹ. Nhờ vậy, VinFast có thể tận dụng nguồn nhân lực từ khu vực này. Ông David Witsell, người đã sống hơn 30 năm tại bang Bắc Carolina, kể rằng Moncure, nơi nhà máy VinFast được đặt, là khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao. Cộng đồng ở đây sẽ phần nào hưởng lợi từ sự có mặt của VinFast, khi cơ hội việc làm và mức sống cao hơn. Giám đốc VinFast, bà Lê Thị Thu Thuỷ cũng chia sẻ quan điểm tương tự. “Dự án dự kiến sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương,” bà nói thêm.

 

 

Cuộc đua phát triển xe điện nóng lên từ cuối năm 2021, khi thị trường Mỹ ghi nhận 5% doanh số bán ô tô mới là xe điện, điểm bùng phát theo đánh giá của chuyên gia trong ngành. Doanh số bán xe điện của Mỹ tăng nhanh, ở mức 42% trong quý II so với cùng kì năm ngoái. Chưa kể, người Mỹ dành nhiều thời gian trên ô tô hơn bất kỳ thị trường nào, theo khảo sát của Bloomberg Green năm 2022. Ông Pavel Molchanov nêu rõ, thị trường này đang bị phân mảnh quá mức, và sẽ trở nên hợp lý hơn theo thời gian. Vị giám đốc điều hành Raymond James & Associates lý giải, thời điểm “hợp lý” là khi số lượng công ty khởi nghiệp xe điện giảm bớt, một số không đạt được quy mô sản xuất, cuối cùng sẽ đối mặt với nguy cơ cạn tiền.

Bối cảnh VinFast đặt chân vào thị trường Mỹ được nhà phân tích chiến lược David Whiston đánh giá là “hợp lý”. Ông lý giải, trước đó giới đầu tư đang lo ngại về vấn đề suy thoái, song tình hình hiện đã khá hơn. Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đặt mục tiêu một nửa phương tiện mới vào năm 2030 sẽ là xe điện và xe hybrid (xe lai điện). Đạo luật về Đầu tư hạ tầng vào năm 2021 và đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 đang hướng hàng trăm tỉ đô la tài trợ của khu vực công lẫn tư nhân vào mọi thứ, từ mạng lưới sạc trên đường cao tốc, cho đến các nhà máy tái chế pin.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn hoàn toàn khác với lúc Tesla bắt đầu 10 năm trước. “Lãi suất cao, cộng với rất nhiều công ty khởi nghiệp xe điện khác đang cố trở thành Tesla thứ hai, như Lucid, Rivian hay Fisker,” chuyên gia tại Morningstar nói. Điều này khiến VinFast khó có được quy mô như Tesla, hoặc như các ông lớn GM, Ford… Đồng quan điểm, ông Pavel Molchanov chỉ ra rằng vẫn chưa có số liệu chính xác về người Mỹ mua một chiếc ô tô từ nhà sản xuất của Việt Nam. “Rất khó để dự đoán chiến lược của VinFast sẽ được hiện thực hóa ra sao,” ông chia sẻ.

 

 

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm có lãi trong vài năm tới, khi tăng quy mô sản xuất và số lượng xe bàn giao,” bà Thủy nói. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm của hãng xe có nhà máy đặt tại Hải Phòng này phải thuyết phục được khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, cùng chính sách bán hàng và sau bán hàng. Có thông tin hãng xe này có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Indonesia. Để có sản phẩm và phát triển được thị trường, VinFast dự định chi phí vốn trong năm 2023 và 2024 là khoảng ba tỉ đô la Mỹ, và doanh nghiệp sẽ đạt mục tiêu hòa vốn sớm. Mức chi như vậy nằm giữa mức chi năm 2022 của hai hãng xe điện Lucid và Rivian, với số liệu lần lượt tương ứng là 2,2 tỉ đô la và năm tỉ đô la. Khi được hỏi về khả năng mua xe điện VinFast, ông David Witsell cho biết ông chưa mua lúc này. “Nếu có ý định mua xe điện, nhằm hỗ trợ nền kinh tế địa phương, tôi sẽ cân nhắc khi VinFast được sản xuất tại Bắc Carolina,” ông Witsell nói.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 10.2023, Bloomberg Businessweek Vietnam